Thị trường bất động sản thời gian qua gặp quá nhiều sức ép do chính sách thắt chặt tiền tệ, dư nợ giảm mạnh cộng với niềm tin của các nhà đầu tư giảm sút...

Quá nhiều sức ép cho thị trường bất động sản


Đói vốn


Nhận định về tình hình bất động sản từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ khó khởi sắc. Việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thắt chặt tín dụng, đặc biệt lĩnh vực phi sản xuất giảm 22% vào tháng 6 và tiếp tục giảm xuống còn 16% vào cuối tháng 12 càng làm nguồn tiền đổ vào bất động sản khan hiếm.


Chính vì vậy, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà không có khả năng tiếp cận nguồn vốn nên thị trường sẽ ế ẩm. Những nhận định trên cũng nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Bộ Xây dựng, bởi theo Bộ này, dòng vốn cho bất động sản trong thời gian tới dù có điều chỉnh nhưng sẽ không thay đổi nhiều.


Thị trường trầm lắng làm ngay cả những đơn vị lớn trong lĩnh vực xây dựng cũng khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 11, HUD đã điều chỉnh giá trị đầu tư năm 2011 giảm 1.800 tỷ đồng, giá trị sản xuất kinh doanh cũng giảm 460 tỷ đồng, chỉ duy nhất kế hoạch xây diện tích sàn nhà ở gần 1,5 triệu m2 được giữ nguyên. Song, trước bối cảnh thị trường đang đóng băng thì việc triển khai đúng kế hoạch cũng không đơn giản.


Trao đổi với báo chí, lãnh đạo HUD cho hay, chỉ sau một thời gian ngân hàng siết chặt tín dụng, áp dụng lãi suất ở mức cao thì ngay lập tức các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo đó là tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản cả nước.


Với Tập đoàn Sông Đà cũng gặp cảnh tương tự, hàng loạt dự án trọng điểm của tập đoàn này đang bị đình trệ, dang dở. Thậm chí, một số công trình trọng điểm của Nhà nước, tổng giá trị thi công của các đơn vị, nhà thầu trong Tập đoàn đã lên tới 1.300 tỷ, nhưng vốn thanh toán của chủ đầu tư thì đến nay mới được 264 tỷ đồng. Trong nhiều tháng ròng, các đơn vị thi công gần như không được nhận tiền thanh toán, Tập đoàn đã phải huy động vốn mọi nơi để trả lương cho công nhân.


Mất niềm tin


Một sức ép rất lớn nữa của thị trường là việc mất niềm tin của các nhà đầu tư. Dù các ngân hàng vẫn áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng nhưng lượng tiền trong dân còn nhiều và nhu cầu mua nhà ở còn rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã mất dần niềm tin vào thị trường bất động sản sẽ đổi chiều trở lại vào cuối năm nên đã “ém” tiền ở các ngân hàng hoặc đầu tư vào một lĩnh vực khác an toàn hơn.


Thực tế trong thời gian qua, thị trường đang tồn tại một dạng đánh lừa khách hàng khá phổ biến là quảng cáo, truyền thông quá sự thật về dự án. Từ đầu năm đến nay, giới kinh doanh bất động sản phải đau đầu vì đọng vốn, ế hàng.


Hàng loạt các dự án vào giai đoạn hoàn thành phải tìm mọi cách để có thể bán được hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn nói rằng dự án của họ vẫn bán được và rất ít người thừa nhận mình gặp khó khăn.


Điều này khiến các nhà đầu tư càng nghi ngại và không dám “đánh liều” bỏ tiền mua bất động sản. Theo một chuyên gia CBRE Việt Nam, điều quan trọng trong tiếp thị bất động sản là tôn trọng sự thật, nói được thì phải làm được. Có như vậy mới thuyết phục được người mua. Trong thời gian tới, để thị trường có thể đảo chiều và bớt “băng” thì các chủ đầu tư cần nắm bắt được điều này và phải tôn trọng các nhà đầu tư hơn.
Theo Đức Nguyễn (GTVT Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.