21/06/2021 7:05 AM
CafeLand - Chưa khi nào bức tranh mặt bằng cho thuê lại đìu hiu như những ngày dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Trên nhiều con phố Hà Nội, kể cả những tuyến phố vốn được xem là sầm uất bậc nhất Thủ đô, la liệt mặt bằng đóng cửa, treo biển cho thuê và sang nhượng. Các tuyến phố im lìm trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mọi người dân đều hạn chế việc ra ngoài, các hoạt động kinh doanh theo đó đều bị ảnh hưởng. Trong đó nặng nề và rõ nhất chính là các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang... đã phải đóng cửa vì không có khách, không đủ khả năng chi trả các khoản chi phí, đặc biệt là tiền thuê mặt bằng.

Vẻ ảm đạm của một khách sạn trong đợt dịch covid-19

Chị Lê Thu Ngân, nhân viên lễ tân một khách sạn trên phố Hoàn Kiếm, cho biết từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, lượng khách hàng gần như giảm hoàn toàn.

Chị Ngân cho biết từ lúc bùng phát dịch lần thứ 4, khách sạn đã phải hủy hợp đồng với các du khách nước ngoài, chỉ đón những du khách nước ngoài đã sinh sống trong nước.

Có những hôm, cả ngày chỉ có 1, 2 khách ghé qua”, chị Ngân cho biết.

Cùng với khách sạn, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn bùng phát mới, nhiều nhà hàng và quán ăn phải đóng cửa do kết quả kinh doanh không bù đắp nổi chi phí mặt bằng.

Đây là ảnh hưởng đáng kể nhất đối với các hạng mục bán lẻ thương mại của thị trường ở cả Hà Nội và TP.HCM.

Rất nhiều dãy cửa hàng trên tuyến phố cổ tại Hà Nội đóng cửa do ảnh hưởng của dịch covid-19

Theo chị Lê Ngọc Uyên, chủ một cửa hàng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt một thời gian dài khiến hoạt động kinh doanh của chị gặp nhiều khó khăn.

“Cứ làm được thời gian ngắn là lại bùng dịch nên nguồn thu không thể bù lại được chi phí, vốn cũng từ đó mà giảm dần. Đến bây giờ thì không thể kham nổi được nên đành phải chấp nhận đóng cửa và phải nhượng lại mặt bằng, chị Uyên cho biết.

Theo ghi nhận, rất nhiều mặt bằng trên các tuyến phố cổ cũng treo biển rồi bỏ không vì không có khách đến thuê.

Những khu vực kinh doanh vốn được xem là sầm uất bậc nhất của Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm và Đống Đa nay đang lâm vào cảnh đìu hiu, ảm đạm trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhiều chủ mặt bằng đã phải giảm giá sâu mà vẫn không có khách thuê. Nhiều mặt bằng đã ký hợp đồng dài hạn, nay treo biển sang nhượng vẫn mỏi mòn chờ khách.

Tình cảnh đóng cửa, tạm nghỉ, sang nhượng hay treo biển cho thuê mặt bằng, trả mặt bằng xuất hiện phổ biến suốt hơn 1 năm qua.

Một số chủ mặt bằng tại đây cho biết, nếu như giai đoạn 2018-2019, chỉ cần phát đi thông tin có mặt bằng cho thuê thì một ngày đã có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu. Thậm chí khách cũ chưa chuyển đi đã có người mới tìm đến đặt cọc, chấp nhận giá cao hơn.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid bắt đầu bùng phát trở lại, đặc biệt là thời điểm sau Tết, dù đã treo biển đến cả tháng trời cũng không có khách đến thuê mặt bằng.

Vắng khách, các cửa hàng đồng loạt đóng cửa do doanh thu không đủ chi trả tiền mặt bằng và các khoản phí khác.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, nhân viên môi giới các mặt bằng cho thuê tại Hà Nội, cho biết mặt bằng trên phố Nguyễn Trãi, Hoàn Kiếm… được các chủ hộ cho thuê giảm tới 50% giá tiền so với trước.

Được biết, trước đây khi dịch bệnh chưa xảy ra, mặt bằng cho thuê hơn 20-30 triệu đồng/tháng. Ngay sau khi dịch bùng phát, giá cho thuê giảm còn 10-15 triệu đồng/tháng mà vẫn không có khách thuê. Hiện nay, các mặt bằng này vẫn treo biển cho thuê và để trống.

Dịch covid-19 bùng phát khiến cho chủ thuê và khách thuê mặt bằng đều gặp khó khăn.

Trên thực tế, một số chủ mặt bằng dù khó khăn nhưng vẫn không giảm giá thuê, khiến các chủ kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, doanh thu sụt giảm trong khi chi phí thuê vẫn phải thanh toán đủ hàng tháng.

Chị Phan Mỹ Hạnh (Công ty KEIKO Việt Nam) chia sẻ, công ty chị có thuê một số mặt bằng tại các trung tâm thương mại theo năm. Vì đã đóng trước tiền mặt bằng nên không thể trả lại, chỉ có nơi nào yêu cầu đóng cửa công ty mới thực hiện, còn lại các cửa hàng khác đều hoạt động bình thường để duy trì vốn.

Có một số nơi, các chủ cho thuê có giảm 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng một số trung tâm thương mại, dù đã làm công văn nhưng cũng chỉ giảm 20-30%, thậm chí không giảm. Điều này đã khiến cho công ty gặp nhiều khó khăn, lỗ vốn đến hàng chục tỉ đồng/tháng.

Có thể thấy, với diễn biến của dịch covid-19 như hiện nay, tình hình kinh doanh sẽ không thể hồi phục ngay lập tức. Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2021 khi áp lực tài chính vào giai đoạn này sẽ gay gắt hơn.

Theo dự báo của giới nghiên cứu thị trường, hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến việc cho thuê mặt bằng khó khăn, làn sóng treo biển cho thuê và rao bán nhà phố sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho biết giai đoạn dịch bệnh bùng phát, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.

Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê.

“Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn”, bà Minh dự báo.

Để cùng nhau thích ứng với bối cảnh hiện tại, chuyên gia của Savills cho rằng, thị trường cần phải điều chỉnh lại, doanh thu của các hãng bán lẻ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng của các cửa hàng bán lẻ trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng.

Thu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.