Chiều 14/1, nguồn tin của Zing xác nhận trong quá trình kiểm tra toàn hệ thống gối cầu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới đây, nhà thầu và chủ đầu tư phát hiện một gối cao su khác ở vị trí VD12-34 xê dịch vài cm so với ban đầu.
Sau khi tiếp nhận, tổ chuyên gia điều tra đã họp bàn và nhận định việc dịch chuyển của gối cao su này nhiều khả năng sẽ làm trượt khỏi đá kê tương tự sự cố lần trước.
Đến nay, tổ chuyên gia điều tra đang thực hiện các bước thử nghiệm, quan trắc độ dịch chuyển; từ đó, đưa ra so sánh nguyên nhân sự việc lần này và trước đó có gì khác biệt để đưa ra cách xử lý.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - chủ đầu tư - đã yêu cầu nhà thầu và đơn vị tư vấn giải thích thỏa đáng và khắc phục. Trong khi đó, nguyên nhân gây trượt gối dầm tại trụ P14-10 vẫn chưa được làm rõ.
Vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 (hướng tuyến Bến Thành đi Suối Tiên), gối cao su bị trượt khỏi đá kê được phát hiện hồi tháng 10/2020. Ảnh: H.B.
Cuối tháng 10/2020, trong lần kiểm tra định kỳ, MAUR phát hiện phần gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) của dầm cầu cạn lắp đặt năm 2016 bị rơi ra ngoài. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới, bê tông đệm đường ray cùng vị trí nứt vỡ.
Vị trí gối cao su bị hỏng sau đó đã được gấp rút thay mới và khắc phục tạm thời các nứt vỡ liên quan. Trong tháng 11/2020, chủ đầu tư MAUR tổ chức ít nhất 3 cuộc họp giữa Liên danh tư vấn chung NJPT và SCC để đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo sự cố.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, MAUR nhận định nhà thầu không chỉ chậm trễ trong báo cáo mà còn đưa ra các nhận định ban đầu sơ sài, kém thuyết phục. Hôm 11/12/2020, MAUR đề nghị thành lập Tổ điều tra sự cố metro.
Tổ điều tra với sự tham gia của nhiều chuyên gia có chuyên môn kỹ thuật, xây dựng liên quan lĩnh vực giao thông công trình, cầu hầm, đường sắt... Trong đó, ít nhất 2 thành viên từ các đơn vị Sở Xây dựng, Sở GTVT thành phố, Hội Cầu đường cảng TP.HCM, Đại học GTVT và Đại học GTVT - Phân hiệu. Dự kiến, tổ này làm việc trong 60 ngày và tự giải thể sau khi tìm ra nguyên nhân.
Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến tháng 11, công trình đạt hơn 81% tổng khối lượng. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án khai thác cuối năm 2021.
-
Metro số 1 bị lệch đầu dầm, có nguy cơ mất an toàn
Gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tuyến metro số 1 bị rơi ra khỏi đá kê khiến đường ray hư hỏng và còn gây nguy cơ làm giảm khả năng chịu lực, tuổi thọ công trình.
-
Dự án nào sẽ hưởng lợi khi tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vận hành
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang trong những giai đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, những dự án bất động sản xung quanh tuyến metro đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách hàng và nhà đầu tư....
-
TP.HCM sẽ phát triển 11 đô thị nén dọc metro, Vành đai 3: Thị trường bất động sản sẽ thay đổi ra sao?
TP.HCM vừa công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí phát triển theo mô hình TOD - quy hoạch đô thị quanh metro và vành đai với mục tiêu tối ưu hóa sử dụng đất và phát triển giao thông công cộng. Đây là bước đi đón đầu xu thế của các đô thị hiện đại trên...
-
TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong tháng đầu tiên
Trong tháng đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào vận hành thương mại, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được trải nghiệm miễn phí cả metro và 17 tuyến xe buýt kết nối.