Trên đỉnh lợi nhuận
Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) trong quý 2/2023 có lợi nhuận gộp tăng gần 47% lên 573 tỉ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục doanh nghiệp đạt được trong một quý từ khi trở thành công ty con của Nawaplastic Industries.
Theo đó, kết quả này vượt qua mức lợi nhuận 281 tỷ đồng vừa thiết lập ở quý đầu năm 2023, đồng thời nối dài mạch tăng trưởng dương 6 quý liên tiếp của Nhựa Bình Minh.
Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 9, cổ phiếu BMP từng tăng lên mức 95.900 đồng/cp, giúp vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này đạt 7.850 tỷ đồng. Con số này đưa Nhựa Bình Minh tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp giá trị nhất ngành nhựa trên sàn chứng khoán.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu BMP diễn ra trong bối cảnh sự sụt giảm của giá dầu khiến giá nguyên liệu đầu vào (PVC, PE) giảm, qua đó kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành nhựa được cải thiện.
Giá hạt nhựa có tác động rất lớn đến chi phí đầu vào, cũng như biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành nhựa
Trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa, hạt nhựa PVC là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất. Thông thường, hạt nhựa chiếm khoảng 90% chi phí nguyên liệu và chiếm trên 75% tổng chi phí sản xuất ngành nhựa.
Với Nhựa Bình Minh, nguyên liệu sản xuất chính của doanh nghiệp này là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm ba loại chính: hạt nhựa PVC (chiếm 70%), hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE. Do đó, giá hạt nhựa có tác động rất lớn đến chi phí đầu vào, cũng như biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành này.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá PVC (theo dữ liệu Bloomberg) đã giảm nhẹ xuống mức 900 USD/tấn - là vùng giá bình thường, sau khi tăng mạnh lên 910 USD/tấn trong tháng 8/2023. Được biết, nguyên nhân của nhịp điều chỉnh giá PVC thời gian gần đây ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ là do nguồn cung dồi dào và nhu cầu vẫn còn yếu.
Giá hạt nhựa PVC đang ở mức thấp
Do nhu cầu phục hồi chậm, BVSC kỳ vọng giá hạt nhựa PVC duy trì ổn định ở vùng giá bình thường ở mức 850-900 USD/tấn như trong giai đoạn 2017-2020.
Đáng chú ý, bất chấp việc giá hạt nhựa PVC điều chỉnh mạnh nhưng giá bán của nhà sản xuất ống nhựa này vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, Nhựa Bình Minh tiếp tục duy trì chính sách giá bán không đổi, khiến cho khoảng cách giữa giá đầu ra và đầu vào tiếp tục lớn. Vì thế, BVSC cho rằng Nhựa Bình Minh còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận.
Sự hậu thuẫn cho Nhựa Bình Minh thời gian tới còn đến từ lợi thế lớn về nguồn cung nguyên liệu khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn SCG sở hữu tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 sẽ cung cấp nguyên liệu PVC cho nhà sản xuất này với giá ưu đãi và sản lượng ổn định.
Tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận?
Hiện tại, do quý 3/2023 là mùa mưa - mùa thấp điểm xây dựng nên nhu cầu ống nhựa xây dựng thường thấp. Do đó, BVSC dự báo sản lượng bán hàng của Nhựa Bình Minh trong giai đoạn này sẽ giảm so với quý trước, trước khi phục hồi trong quý cuối năm.
Nhựa Bình Minh có thể đạt mức lợi nhuận 1.022 tỷ đồng trong năm 2023, qua đó sẽ có lần đầu tiên lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm
Theo BVSC, nhà sản xuất ống nhựa và phụ tùng ống nhựa này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi ngắn hạn nhằm đẩy mạnh sản lượng, qua đó lợi nhuận ròng vẫn sẽ tích cực.
“Nhựa Bình Minh vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra ở ngành nhựa khi những “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ và giành thêm nhiều thị phần hơn”, BVSC nhận định.
Đồng thời, BVSC cho rằng triển vọng nhu cầu thời gian tới sẽ khả quan hơn với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản cũng như các chính sách tài khóa, tiền tệ như giảm lãi suất, giảm VAT và tăng cường đầu tư công.
Bất chấp sự ảm đạm của thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng, BVSC dự báo sản lượng năm 2023 của Nhựa Bình Minh sẽ vẫn tăng nhẹ 3% so với với năm ngoái, đạt 100.000 tấn. Con số này sẽ tiếp tục tăng thêm lần lượt 7% và 5% trong 2 năm tiếp theo.
BVSC dự phóng lợi nhuận ròng của Nhựa Bình Minh trong năm 2023 đạt 1.022 tỷ đồng, qua đó sẽ có lần đầu tiên lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm.
Được biết, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 6.357 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022. Sau nửa đầu nay, doanh nghiệp này lần lượt hoàn thành 44% mục tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Theo tìm hiểu, Nhựa Bình Minh ra đời từ năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.
Năm 2004, Nhựa Bình Minh cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu là BMP, sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Tới tháng 4/2018, Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của Tập đoàn SCG đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.
-
Nhựa Bình Minh có hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp giai đoạn 2020-2022, bị xử phạt và truy thu thuế với số tiền gần hơn 8,6 tỷ đồng.
-
Đại gia Thái Lan lãi lớn với thương vụ thâu tóm Nhựa Bình Minh
Không chỉ lãi lớn nhờ cổ phiếu BMP vượt đỉnh, Nawaplastic Industries, cổ đông lớn nhất của Nhựa Bình Minh còn “bỏ túi” hàng trăm tỉ đồng trong đợt chi trả cổ tức vào tháng 6 tới đây.
-
Công ty sản xuất nhựa lớn nhất miền Bắc với 3 nhà máy và 1.500 lao động báo lãi cao kỷ lục, có hơn nghìn tỷ gửi ngân hàng
Năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận 5.176 tỷ đồng, giảm 9% song lãi sau thuế tăng 16,5% so với năm trước, đạt 559 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận năm cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết.
-
Cổ phiếu một công ty thép bất ngờ “tím lịm” 3 phiên liên tiếp sau thông tin hoán đổi cổ phần để cấn trừ nợ
Kết phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu của Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) dừng ở mức 5.810 đồng/cp với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh - mức thanh khoản kỷ lục trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu thép này....
-
Lý do đằng sau việc Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ xin lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ niên độ 2023-2024
Do cần thời gian đánh giá, dự liệu cẩn trọng kế hoạch kinh doanh trong tình hình thị trường đang có nhiều biến động khó lường, Hoa Sen xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tới ngày 18/3/2024....