Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán với lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng 6% so với báo cáo tự lập.

Lãi 30 tỷ đồng sau kiểm toán

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất của niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023) do Công ty KPMG Việt Nam kiểm toán.

Trong niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 31.650 tỷ đồng, không biến động đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập trước đó của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, biến động được ghi nhận ở một số hạng mục chủ yếu gồm: giá vốn hàng bán giảm 3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8,4 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm 7,6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Tập đoàn Hoa Sen lãi 30 tỷ đồng sau kiểm toán. Ảnh chụp màn hình BCTC 2022-2023

Như vậy, sau kiểm toán, Hoa Sen của Chủ tịch Lê Phước Vũ ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng, tăng 6% so với báo cáo tài chính hợp nhất tự lập. So với niên độ trước, mức lợi nhuận niên vụ này giảm hơn 88%, chủ yếu do doanh thu bán hàng giảm mạnh.

Với việc ghi nhận lợi nhuận dương 30 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023, dựa trên các quy định trong quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán hiện hành, cổ phiếu HSG nhiều khả năng sẽ được cho phép giao dịch ký quỹ trở lại (margin).

Trước đó, vào tháng 5/2023, cổ phiếu HSG đã bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022-2023) là số âm.

Cụ thể, trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 14.900 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 424 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023.

Thận trọng với triển vọng năm 2024

Năm 2023, Hoa Sen đưa ra 2 kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.

Cụ thể, kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng.

Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, doanh nghiệp này dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.

Như vậy, với việc lãi 30 tỷ đồng, nhà sản xuất tôn mạ này đã không hoàn thành được mục tiêu lãi 100-300 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023.

Hoa Sen sẽ không đầu tư lớn vào máy móc thiết bị mà chỉ tập trung vào hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home trong năm 2024

Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ cho rằng những khó khăn của ngành tôn thép nói chung có thể kéo dài tới cuối năm 2024 do các vấn đề vĩ mô như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nhu cầu suy yếu.

Thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối, các tổng kho trên toàn quốc. Đồng thời duy trì và mở rộng kênh và danh mục sản phẩm xuất khẩu.

Mới đây, Hoa Sen bất ngờ xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cho niên độ tài chính 2023-2024.

Doanh nghiệp này dự kiến gia hạn thời gian tổ chức đại hội chậm nhất đến ngày 18/3/2024 với lý do trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình thị trường ngành thép nói riêng đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Do đó, công ty cần đánh giá, dự liệu cẩn trọng đối với các kịch bản có thể xảy ra trong năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của niên độ tài chính 2023-2024 và định hướng, chiến lược cho các niên độ tài chính sau đó một cách phù hợp và sát với tình hình thực tế.

Theo chia sẻ mới nhất của ban lãnh đạo Hoa Sen về kế hoạch kinh doanh niên độ 2023-2024, thị trường thép tuy đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng năm 2024 thì chưa thể kỳ vọng sản lượng tăng trưởng mạnh do nhu cầu nội địa còn yếu và kinh tế vĩ mô thế giới còn nhiều rủi ro.

Về thị trường tiêu thụ, Hoa Sen vẫn đang tiếp tục cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu ở tỷ lệ tương ứng 50:50.

“Do sức mua nội địa yếu nên sản lượng tiêu thụ hiện tại vẫn đang nghiêng về kênh xuất khẩu, đồng thời không tập trung ở một thị trường trọng điểm mà thúc đẩy đồng thời ở các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á nhằm phân tán rủi ro”, lãnh đạo Hoa Sen chia sẻ.

Theo đó, nhà sản xuất tôn mạ này đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ duy trì trung bình 130.000 tấn/tháng, tương đương sản lượng cả năm có thể đạt 1,56 triệu tấn, tăng 11,4% so với niên độ trước.

Đối với kế hoạch đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sẽ không đầu tư lớn vào máy móc thiết bị mà chỉ tập trung vào hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home.

Cụ thể, Hoa Sen sẽ mở rộng số lượng sản phẩm bày bán, trong đó chuyển dần sang các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn (gạch ốp lát, sơn…) với mục tiêu tăng tỷ trọng của các ngành hàng này lên 50% trong 3-5 năm tới.

Đồng thời, tập trung tiếp cận các nhà thầu địa phương để có các đơn hàng ổn định; đặt chỉ tiêu bán hàng cụ thể cho từng cửa hàng, từng ngành hàng và yêu cầu mỗi cửa hàng cần có lãi trong vòng nửa năm.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm
  • Dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen