Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra chiều 2.12, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất có thể.
Cân đối cung - cầu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thông báo nền kinh tế sau 11 tháng vẫn đang trên đà tăng trưởng hết sức tích cực, mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát cao, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,86%, đưa mức tăng 11 tháng lên 9,58% so với năm ngoái, “vì vậy từ nay đến cuối năm, Chính phủ chủ trương dồn toàn tâm, toàn sức để ổn định thị trường giá cả, giữ lạm phát ở mức thấp nhất có thể”, Bộ trưởng Phúc nói.

Để triển khai các giải pháp kiềm chế giá cả, chỉ trong tháng 11, Thủ tướng đã ban hành 2 chỉ thị, trong đó nhấn mạnh phải đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ sản xuất ngắn hạn các vùng chịu thiên tai, lũ lụt. Từ nay đến cuối năm, sẽ chuẩn bị đủ nguồn hàng quan trọng: gạo, đường, rau, thịt… kết hợp với tăng cường chống nạn đầu cơ, tích trữ.

Về nguyên nhân lạm phát năm nay có thể cao hơn mức 10%, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc giải thích là do giá cả thế giới tăng quá nhanh. Ngoài ra, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp trên diện rộng, dịch bệnh gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, do nhu cầu và sức mua của người dân tăng lên, đặc biệt trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tất cả các yếu tố trên làm cho CPI 11 tháng 9,58%.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa thì cho biết trên thị trường giá cả đã xảy ra tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng hóa, tung tin đồn thất thiệt để đẩy giá lên. Bộ Công thương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp này. Về nghịch lý giá hàng bình ổn cao hơn giá thị trường, Thứ trưởng Thoa thừa nhận và giải thích, đó là do một số điểm bình ổn giá, nhập hàng tươi sống về chưa kịp điều chỉnh giá theo thị trường, người dân có lên tiếng, sau đó TP.HCM đã xử lý nghiêm và đã có khắc phục.

Tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát


Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng kiểm soát lãi suất ở mức chấp nhận được, và mục tiêu của tăng lãi suất chỉ trong ngắn hạn, chứ không phải dài hạn và mãi mãi

Nguyễn Văn Giàu Thống đốc NHNN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ để ổn định lại thị trường tiền tệ, góp phần kiềm soát lạm phát. Việc tỷ giá chợ đen tăng nóng và bỏ xa tỷ giá chính thức tới 2.000 đồng/USD, theo thống đốc là do những tác động từ nền kinh tế thế giới và các yếu tố vĩ mô trong nước, bên cạnh sự biến động tăng mạnh của giá vàng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, cán cân tổng thể và trạng thái ngoại tệ của các NH đang chuyển biến khá tích cực. Ngày 21.11, trạng thái ngoại hối của các NH thương mại âm 355 triệu USD, đến chiều 2.11 chỉ còn âm 94 triệu USD. Ngoài ra, ông Giàu cho biết đang bàn bạc với Bộ Công thương nhằm sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cân đối đủ cho nhu cầu dự trữ trong lưu thông, giải tỏa áp lực nhập khẩu xăng dầu, tạo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường…

Trả lời báo chí về việc cán cân thanh toán đang tiến tới thặng dư, nhưng tỷ giá vẫn tăng, có phải do can thiệp của NHNN chưa đủ mạnh, Thống đốc cho biết ngoại tệ phục vụ cho mục tiêu dự trữ quốc gia là công sức của người dân, nên chỉ can thiệp cho các nhu cầu thiết yếu, không thể phục vụ cho các nhu cầu xa xỉ, không cần thiết.

Xung quanh những ý kiến tăng lãi suất khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ gặp nhiều khó khăn, thống đốc cho biết trong bối cảnh hiện nay, tăng lãi suất là cần thiết để hút tiền về, giảm cầu để kiểm soát lạm phát. Ông Giàu nói: “Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng kiểm soát lãi suất ở mức chấp nhận được, và mục tiêu của tăng lãi suất chỉ trong ngắn hạn, chứ không phải dài hạn và mãi mãi”.

Cafeland.vn - Theo Thanh niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland