Người dân tại thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình bức xúc vì trạm thu phí BOT bỗng nhiên nằm giữa thị trấn chẳng khác nào cái nhọt to đùng mọc trên mặt thiếu nữ. Bức xúc là vì từ ngày 20.10, không ít người ở Lương Sơn rơi vào cảnh “chạy ra chợ mua mớ rau cũng mất tiền”. Không những thế, từ đầu năm 2016, mức vé lại nhấp nhổm tăng đến 40%. Trong khi đó, hàng chục trạm thu phí khắp nơi trên cả nước cũng chuẩn bị đồng loạt tăng giá vé, điển hình như giá vé qua trạm thu phí ở QL5 sắp tăng… gấp đôi.

Dân vây trạm thu phí Lương Sơn.

Chữa cháy bằng… xin cơ chế đặc thù

Ngày 7.11, nhiều người dân tại Lương Sơn (Hòa Bình) đã chặn các phương tiện giao thông qua trạm thu phí QL6 để phản đối mức thu phí dù trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị với nhà đầu tư giảm 40% tiền vé tháng cho người dân khu vực Lương Sơn. Ông Nguyễn Đình Khá - ở tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn - cho rằng: “Không biết có phải nhà thầu tận dụng “vét” túi người dân hay không mà chọn “địa thế” quá hiểm đặt trạm thu phí, như thể là “không cho chúng nó thoát” ngay cả với người dân địa phương”. Theo Thông tư 122 ngày 18.8.2015 của Bộ Tài chính, vé qua trạm Lương Sơn gồm 5 loại vé, thấp nhất là 25.000 đồng với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; cao nhất là 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 feet.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ với báo giới: “Người dân ở Lương Sơn (Hòa Bình) cho rằng đặt vị trí trạm thu phí ở đấy rất phiền toái và tốn kém cho họ. Họ còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc cần minh bạch tất cả cách làm. Việc dịch chuyển vị trí địa giới có đúng không. Tại sao lựa chọn chỗ ấy. Phải chăng lựa chọn chỗ ấy để tạo lợi thế cho doanh nghiệp?” và “Nhiều dự án BOT như một cái hộp đen, nhìn vào không ai biết được như thế nào cả. Nói rất thật, đây là nơi nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Bây giờ chủ đầu tư chỉ mở rộng một tí, bỏ tiền tráng thêm một tí men trên mặt đường mà lại thu phí cao như những nơi đầu tư từ đầu liệu có hợp lý không?”.

Để “chữa cháy” và giảm nhiệt bức xúc của người dân, vừa qua, Cty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình có đề xuất gửi các bộ: GTVT, Tài chính xem xét cơ chế đặc thù miễn, giảm giá vé đối với các chủ phương tiện có giấy đăng ký xe, hộ khẩu thường trú trên địa bàn thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) lưu thông qua trạm thu phí QL6 tại km42+730.

Dồn cái khó cho dân

Câu chuyện xung quanh các trạm thu phí BOT, điển hình là trạm phu phí QL6 chắc chắn sẽ còn được nói đến nhiều bởi lẽ chỉ sau hơn 2 tháng đưa vào thu phí, từ ngày 1.1.2016 mức phí qua trạm này sẽ tăng và mức tăng cũng rất… chóng mặt. Cụ thể mức vé thấp nhất tăng lên 35.000 đồng với xe dưới 12 chỗ... và cao nhất tăng lên 200.000 đồng. Như vậy giá vé xe ôtô dưới 12 chỗ qua trạm Lương Sơn sẽ tăng lên 40%. Theo các chủ phương tiện thường xuyên qua QL6, mức thu phí hiện nay đã là quá cao, sắp tới còn cao hơn là bất cập bởi lẽ dự án từ Xuân Mai đi TP. Hòa Bình dài 30km chỉ là nâng cấp cải tạo. Các chủ phương tiện cũng đưa ra một vài so sánh rất đáng chú ý, theo mức vé hiện nay, chỉ riêng với xe dưới 12 chỗ, mức phí trung bình là 833 đồng/km. Sau ngày 31.12.2015, mức này là 1.150 đồng/km. Trong khi đó, tại các tuyến cao tốc được xây mới, hiện đại như Hà Nội - Lào Cai, hay Hà Hội - Hải Phòng, mức trung bình cho 1km chỉ là 1.500 đồng.

Không chỉ trạm thu phí BOT QL6, bắt đầu từ đầu năm 2016, hàng loạt các trạm thu phí khác cũng đồng loạt tăng giá. Thậm chí, ngay từ 1.12.2015 này, các phương tiện đi qua hai trạm thu phí trên QL5 sẽ phải nộp từ 30.000 - 160.000 đồng, tăng gấp đôi so với trước. Theo thông tư của Bộ Tài chính, mức thu phí đường bộ QL5 tại 2 trạm sẽ được điều chỉnh theo 2 giai đoạn. Theo đó, từ 1.12.2015 đến hết ngày 31.3.2016, mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 160.000 đồng. Từ sau 31.3.2016, mức tăng phí lên tương ứng 45.000 đồng và 200.000 đồng. Chưa hết, từ 1.1.2016, mức thu phí qua trạm Cầu Rác, QL1 (địa phận Hà Tĩnh) cũng sẽ tăng gần 30%. Mức tăng tương tự cũng được áp dụng với trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân, quốc lộ 1, tỉnh Thừa Thiên - Huế kể từ 1.1.2016.

Cũng từ năm 2016, phương tiện qua trạm Mỹ Lộc, Nam Định sẽ phải trả thêm một khoản phí đáng kể. Mức phí áp dụng thấp nhất cho phương tiện đi qua trạm này hiện đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên thành 30.000 đồng trong năm 2016 và 35.000 đồng vào năm 2017. Từ năm 2017 trở đi, cứ 3 năm điều chỉnh tăng giá vé một lần, mỗi lần tăng 18% so với mức giá vé đang áp dụng. Theo các nhà đầu tư, đây mà mức tăng “được phép” vì khung cao nhất cho loại xe dưới 12 chỗ là… 52.000 đồng/lượt.

Mới đây, không ít chủ phương tiện giao thông đã “khóc” trên các trang mạng xã hội rằng: Chỉ riêng việc di chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ đã phải trả tới 19 loại phí, tương ứng 19 trạm thu phí với mức thu gần 500.000 đồng. Cũng có chủ phương tiện tính toán rằng đi từ Hà Nội xuống Thái Bình, cung đường chỉ hơn 120km nhưng cũng phải qua tới 4 trạm là: Pháp Vân, Cầu Giẽ, Hà Nam, Thái Bình với khoản tiền chi ra là 125.000 đồng. Một chiếc ôtô cá nhân để đi được ra đường đã “cõng” tới gần 20 triệu các loại phí, lệ phí nay lại “oằn mình” với những trạm thu phí luôn có xu hướng nhấp nhổm tăng giá. Chưa kể giá cả các mặt hàng cũng sẽ tăng rất nhanh khi chi phí vận chuyển tăng. Rõ là dồn cái khó cho dân.

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời đảm bảo việc thực hiện phương án sắp xếp lại nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê du

Minh Hoàng - Đỗ Đặng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.