05/10/2020 7:44 AM
Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường do Nhà nước đầu tư đang gây nên nhiều quan điểm trái chiều.

Ngày 30/9/2020, Bộ Tài chính có tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ Tài chính cho biết mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Trước đó, vào giữa tháng 8, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.

Đề xuất nêu trên lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia. Trao đổi với Đất Việt, một số ý kiến cho rằng việc này cần phải được tính toán, cân nhắc cho kỹ.

Cao tốc TPHCM-Trung Lương đã dừng thu phí từ ngày 1/1/2019. Ảnh: NLĐ

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng, thực ra trước nay vẫn thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư thông qua doanh nghiệp có vốn Nhà nước, chẳng hạn như Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Trước đề xuất lần này, vị chuyên gia khẳng định nguyên tắc là đầu tư - thu phí. Ngân sách của Nhà nước là do người dân đóng góp, có nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để người dân được hưởng.

Khi mức độ dân sinh trung bình, đủ đảm bảo cho người dân rồi thì để phát triển hơn nữa, Nhà nước có thể huy động lực lượng của xã hội, mở ra các đường cao tốc do ngân sách đầu tư nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu cao hơn, muốn đi nhanh hơn và những người này phải nộp phí.

Mức phí ấy phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng cũng không được vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Số tiền thu được sẽ sử dụng để bảo trì và tái đầu tư tiếp. Như vậy, khả năng phát triển kinh tế sẽ nhanh hơn, thay vì phải chờ có đầy đủ ngân sách nhà nước, người dân đóng thuế đầy đủ mới làm.

Ngược lại, đối với những người dân bình thường, nếu không có nhu cầu thì vẫn có đường khác để đi và không phải đóng phí.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám lấy Quốc lộ 5 làm ví dụ. Đây là tuyến đường do ngân sách Nhà nước đầu tư, tất cả người dân vẫn đi lại bình thường và không phải đóng phí. Trong khi đó, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng mới hoàn toàn, mục đích là để phục vụ phát triển kinh tế cao hơn, người có nhu cầu cao hơn, muốn đi đường đẹp hơn, nhanh hơn sẽ đi cao tốc này và phải nộp phí.

"Như vậy, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng có cái lý của nó, tuy nhiên nguyên tắc là vẫn phải đảm bảo cho người dân có quyền lựa chọn. Tuyệt đối tránh thu phí ở đường độc đạo, người dân đang đi, tự dưng Nhà nước đầu tư vào đó rồi thu phí trong khi người dân chưa có điều kiện trả thêm tiền để hưởng lợi ở mức cao hơn", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói và nhấn mạnh, nếu nhờ đóng thêm tiền mà dịch vụ, chất lượng đường cao tốc tăng thì nên ủng hộ, còn nếu tiền đó bị dùng sai mục đích, chẳng hạn như bù lỗ, thay vì để bảo trì, sửa chữa đường, tăng chất lượng dịch vụ thì không nên.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) không tán thành việc thu phí sử dụng đường tại các tuyến cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư, bởi lo ngại phí chồng phí, thêm gánh nặng cho người dân.

Theo vị chuyên gia, ngân sách nhà nước phải bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là đương nhiên.

"Tiền ngân sách cũng là tiền thuế người dân đóng góp, Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra xây dựng thì không thể nào thu thêm phí của người dân. Nếu là hợp tác công tư, BOT lại là câu chuyện khác", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo 2 phương án:

Phương án 1, quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.

Phương án 2, quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.

Qua phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính chọn phương án 1 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.

Bộ Tài chính cho rằng phương án 1 có nhiều ưu điểm: Sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh,... , thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.

Nếu quy định thu phí sử dụng đường cao tốc theo pháp luật về phí, lệ phí thì mức thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ. Bởi Luật Phí và lệ phí nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ; trong khi đó, mức phí dịch vụ sẽ bù đắp chi phí và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Hết thời gian hoàn vốn sẽ dừng thu như các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP.

Điều này đảm bảo công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện. Tránh được sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng “phí chồng phí”, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân như hiện nay.

Thành Luân (ĐV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.