03/02/2023 1:40 PM
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục đi ngang, thị trường xuất khẩu chỉ có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Việc giá than được điều chỉnh giảm có thể giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng phục hồi từ 50-90% trong năm nay.

Thành bại tại giá than

Nếu như năm 2021, ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giãn cách kéo dài, ảnh hưởng lưu thông, hoạt động kinh doanh bị đình trệ thì năm trong 2022 và năm nay, mọi sự chú ý đều hướng về giá than. Theo đó, bế tắc vì giá than được xem là tình cảnh chung của ngành sản xuất xi măng hiện nay.

SSI cho rằng giá than được điều chỉnh giảm có thể giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp phục hồi từ 50-90% trong năm 2023

Trên thực tế, than là nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của ngành sản xuất xi măng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xi măng sử dụng cả than nhập khẩu và than nội địa. Trong đó, 70% nguồn cung than trong ngành xi măng đến từ nhập khẩu. Vì vậy, giá than tăng mạnh trong khi tiêu thụ lại có xu hướng chững lại khiến các doanh nghiệp xi măng gặp nhiều khó khăn.

Trong báo cáo triển vọng ngành xi măng mới đây, Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng giá than sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trong năm 2023 do tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã lắng xuống; giá năng lượng khác như dầu mỏ, LNG ổn định hơn. Mặt khác, việc Trung Quốc tăng kế hoạch sản xuất than cũng được kỳ vọng sẽ giúp giá than giảm đáng kể.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, than chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất xi măng. Tuy nhiên, việc giá than toàn cầu đã tăng khoảng 66-138% trong năm 2022 đã khiến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng chỉ ở mức thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lỗ hoặc hòa vốn trong giai đoạn này.

Nếu như trong năm 2022, giá than tăng mạnh là do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao; việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga buộc châu Âu phải sử dụng năng lượng thay thế khác, trong đó bao gồm than.

Đến nay, giá mặt hàng này đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều thị trường. Cụ thể, giá than của Úc đã giảm xuống 404 USD/tấn vào tháng 12.2022 sau khi đạt đỉnh 458 USD/tấn (tăng 170% so với đầu năm) vào tháng 9.2022. Tương tự, giá than của châu Âu tại thời điểm đầu năm 2023 cũng giảm 30% so với hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo dự báo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch, giá than của Úc sẽ ở mức 200 USD/tấn, giảm 45% so với cùng kỳ vào cuối năm 2023. Trong khi đó, World Bank dự báo giá nhiên liệu này ở mức 240 USD/tấn, giảm 34% so với cùng kỳ.

SSI Research cho rằng, tỉ suất lợi nhuận gộp của các công ty xi măng sẽ cải thiện trong khoảng 2-3% so với cùng kỳ do giá than điều chỉnh giảm.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng giá than nhập khẩu tại Việt Nam có thể sẽ thấp hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, thời gian biến động giữa giá than thế giới và giá than trong nước thường có độ trễ. Do đó, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 của các công ty xi măng như Xi măng Hà Tiên, Bỉm Sơn sẽ phục hồi từ 50-90%, với phần lớn mức tăng trưởng chủ yếu trong nửa cuối năm.

Nguồn cung 2023 tiếp tục tăng

Năm 2022, ngành xi măng đã có một năm “bão táp” khi nguồn cung xi măng vượt cầu 40 triệu tấn, tiêu thụ nội địa tăng không đáng kể, đạt khoảng 63 triệu tấn, xuất khẩu đã giảm khoảng 33% so với năm trước, nên toàn ngành chỉ xuất được 31,7 triệu tấn.

Như vậy, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ trong năm 2022 chỉ đạt 93,33 triệu tấn, thấp hơn nhiều mức 108 triệu tấn của năm trước.

Sức tiêu thụ nội địa yếu cùng thị trường xuất khẩu giảm mạnh đã dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại khu vực miền Bắc và miền Trung

Dư cung quá lớn là vấn đề lớn nhất trong công tác sản xuất, bán hàng của các nhà máy xi măng. Trong đó, các nhà máy đóng đô tại các tỉnh phía Bắc Trung Bộ như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam… nơi có mật độ các nhà máy cao, công suất lớn càng khó về tiêu thụ.

Sang năm 2023, nguồn cung lại được bổ sung khi sẽ có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động như Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn (2,5 triệu tấn); Dây chuyền 3 - Xi măng Xuân Thành (4,5 triệu tấn); Xi măng Đại Dương (2,5 triệu tấn); Xi măng Long Thành (2,5 triệu tấn) đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn.

Trong khi đó, kênh tiêu thụ nội địa vẫn ảm đạm do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng.

Với việc sức tiêu thụ nội địa yếu cùng thị trường xuất khẩu giảm mạnh đã dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại khu vực miền Bắc và miền Trung, nơi tập trung hầu hết các dự án sản xuất xi măng mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn. Do đó, SSI Research dự báo giá xi măng trong năm 2023 sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ 1-3% so với năm 2022.

Định giá có thể đã phản ánh dấu hiệu phục hồi lợi nhuận

Ngành xi măng ghi nhận mức giảm 53% trong năm 2022, kém hơn 20% so với chỉ số VNIndex. Diễn biến ngành kém khả quan hơn so với kỳ vọng, lợi nhuận chưa thể trở lại mức trước dịch Covid vào năm 2022. Hai nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm bao gồm nhu cầu xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều thấp và giá than ở mức cao.

Theo SSI Research, P/E của các mã trong ngành xi măng đã giảm mạnh từ 22-24 lần trong năm 2021 xuống 11-15 lần năm 2022. Điều này đã phản ánh sự sụt giảm trong lợi nhuận của các công ty xi măng trong năm vừa qua.

SSI Research cho rằng, nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng tăng trưởng mạnh trong năm 2023 nhờ việc giá than điều chỉnh giảm, thì hệ số P/E của ngành dự kiến sẽ nằm tại mức cao trong phạm vi lịch sử là khoảng 10 lần.

Do đó, SSI khuyến nghị các nhà đầu tư nên chờ đợi dấu hiệu giá than điều chỉnh thấp hơn và giá cổ phiếu xi măng được điều chỉnh sâu hơn.

Xi măng Hà Tiên (Mã: HT1) hiện đang chiếm 33% thị phần tại khu vực phía Nam với 2 nhà máy xi măng tiên tiến cùng với 3 trạm nghiền. Với việc thị trường chính của doanh nghiệp này là ở miền Nam, nơi áp lực cạnh tranh ít hơn do thiếu nguồn cung nên sản lượng tiêu thụ có thể duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, nhờ cơ cấu tài chính lành mạnh, cùng với dòng tiền ổn định, Chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HT1 với giá mục tiêu là 12.300 đồng/cp cùng với mức tăng giá tiềm năng gần 10% so với thị giá hiện tại.

  • Đầu tư công sẽ là “cứu cánh” cho ngành thép, xi măng

    Đầu tư công sẽ là “cứu cánh” cho ngành thép, xi măng

    Khó khăn về thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào và lãi suất tăng cao, cùng sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản nhà ở đang đẩy nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng rơi vào tình cảnh thua lỗ. Giữa hàng loạt gánh nặng, đầu tư công đang được đánh giá là chiếc “đòn gánh” cho các doanh nghiệp thép, xi măng trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.