Khó khăn về thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào và lãi suất tăng cao, cùng sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản nhà ở đang đẩy nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng rơi vào tình cảnh thua lỗ. Giữa hàng loạt gánh nặng, đầu tư công đang được đánh giá là chiếc “đòn gánh” cho các doanh nghiệp thép, xi măng trong thời gian tới.

Trong báo cáo "Chiến lược đầu tư 2023: Đầu tư có trách nhiệm - Xây tương lai vững bền", các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Đầu tư công sẽ là chiếc phao cho ngành vật liệu xây dựng trong năm 2023

Theo đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Mặc khác, giá vật liệu giảm trong thời gian qua cũng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2023.

Khó khăn vẫn đeo bám ngành thép, xi măng

VNDirect cho biết, các nhà sản xuất thép và xi măng Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức trong năm 2022.

Cụ thể, nhu cầu xây dựng suy yếu ở cả trong nước cũng như thế giới, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và nguồn cung dư thừa. Bên cạnh đó, triển vọng trong năm 2023 cũng bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản.

Với ngành thép, đây được xem là thời điểm khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua khi hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm, thậm chí thua lỗ trong quý 3.2022.

Doanh thu của 3 doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đã giảm 25% so với quý 3.2021 và giảm 18% so với quý trước đó khi nhu cầu thép yếu khiến cả sản lượng và giá bán đều giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào như than cốc và thép HRC tăng cao, lãi suất tăng và chênh lệch tỉ giá đã khiến nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận lỗ kỷ lục.

Đáng chú ý, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với lợi thế sản xuất quy mô lớn là Hòa Phát cũng đã ghi nhận quý lỗ đầu tiên kể từ quý 4.2008 với mức lỗ ròng 1.776 tỉ đồng.

Theo VNDirect, thị trường bất động sản nhà ở chậm lại trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu thép trong nước giảm đáng kể. Bằng chứng là từ đầu năm, thị trường bất động sản suy yếu đã khiến nhu cầu thép không tăng trưởng, sức tiêu thụ thấp khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép có lượng hàng tồn kho tăng cao, hầu hết phải cắt giảm sản xuất.

Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, tuy nhiên VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép xây dựng và tôn mạ trong nước sẽ giảm thêm 3% vào năm 2023.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng những ảnh hưởng của dịch Covid-19, VNDirect cho rằng xuất khẩu thép và xi măng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn cho đến quý 2.2023.

Được biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2018 và chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng tại quốc gia này suy yếu đã khiến ngành xi măng Việt Nam gặp khó. Theo đó, sản lượng xuất khẩu xi măng trong 10 tháng đầu năm 2022 của cả nước chỉ đạt mức 26 triệu tấn, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu bất động sản giảm và thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và năng lượng cũng khiến nhu cầu xây dựng yếu đi tại các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam là EU và Mỹ. Sau 10 tháng, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam đã giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Do đó, VNDirect cho rằng hoạt động xuất khẩu thép và xi măng của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc và sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.

Điểm sáng đầu tư công

Trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu, đầu tư công đang trở thành một trong các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm 2023.

Đầu tư công sẽ được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào cho sự yếu kém của thị trường bất động sản

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, vốn đầu tư công thực hiện tăng 20,1% so với cùng kỳ, lên 387.700 tỉ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022, tương đương 67,1% kế hoạch cả năm. Cho năm 2022, VNDirect dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20-22% so với cùng kỳ và đạt khoảng 90% kế hoạch cả năm.

VNDirect cho rằng, năm 2023, Việt Nam vẫn sẽ duy trì chính sách thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dự tính đạt gần 699.000 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Cũng theo Chứng khoán VNDirect, một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép xây dựng trong nước giảm 19,7% so với mức đỉnh. Tương tự, giá các loại vật liệu xây dựng khác cũng đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước và giảm 6,7% so với cuối năm 2021.

Với việc giá vật liệu xây dựng giảm có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Do đó, VNDirect cho rằng vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20-25% so với số thực tế năm 2022. Các dự án đầu tư công trọng điểm như Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong năm tới.

Thời gian tới, VNDirect cho rằng, đầu tư công sẽ là cứu cánh cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của thị trường bất động sản.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.