28/11/2020 12:30 PM
CafeLand - Cần có “nhạc trưởng” để gỡ vướng cho các dự án bất động sản; Từ 5/12, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cá nhân theo đề nghị của cơ quan thuế; Nhà phố cho thuê vẫn “cửa đóng then cài”; Cuối năm, dự án "ảo" được quảng cáo rầm rộ trên thị trường... là những thông tin nóng trong tuần này.

Hình minh họa

Cần có “nhạc trưởng” để gỡ vướng cho các dự án bất động sản

Khi bước vào đầu tư, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Đầu tiên là tiền sử dụng đất. Trên thế giới trước khi quyết định đầu tư thì nhà đầu tư phải biết giá thành nhưng ở Việt Nam tiền sử dụng đất không biết là bao nhiêu. “Ẩn số” mang tên tiền sử dụng đất làm doanh nghiệp gặp khó để đi đến quyết định đầu tư. Vướng mắc thứ hai liên quan đến các thủ tục đầu tư.

“Chúng tôi đầu tư với nhà đầu tư Nhật nhưng không thể kiểm soát được tiến độ dự án. Đành khất hẹn với nhà đầu tư theo tháng, sau đó là khất đến cả năm rồi hai ba năm”, ông Quang cho biết và nói thêm tiến độ thực hiện dự án chậm dẫn đến chi phí tài chính rất lớn. Điều này vừa thiệt hại cho doanh nghiệp, cho nhà nước và cả người tiêu dùng.

Giám đốc địa ốc "bay xa" sau khi vẽ “dự án ma” chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM vừa khởi tố bị can, ra quyết định truy nã về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Công ty bất động sản Đức Tâm Land (có trụ sở tại số 1262/8 Phạm Thế Hiển, Phường 5, Quận 8, TP.HCM).

Theo cơ quan điều ra, Tâm với vai trò là giám đốc của Đức Tâm Land đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với một chủ đất ở Đồng Nai. Theo đó, Đức Tâm Land sẽ có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện đầy đủ các thủ tực pháp lý dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển nhượng.

Cuối năm, dự án "ảo" được quảng cáo rầm rộ trên thị trường

Thị trường bất động sản cuối năm đang diễn biến nhiều màu sắc, khi có nhiều dự án được tung ra. Tuy nhiên, đang xuất hiện nhiều dự án "ảo" được quảng cáo rầm rộ. Nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác.

Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Lê Minh (quận Tân Phú, TPHCM) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo một số sàn môi giới mạo danh công ty rao bán dự án chung cư do Công ty TNHH Lê Minh (Công ty Lê Minh). Ông Huynh cho biết, Công ty Lê Minh có chức năng trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư bất động sản. Đồng thời, Công ty Lê Minh hiện đang triển khai thủ tục pháp lý dự án thành phần xây dựng chung cư tại khu tái định cư 38ha (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM). Tuy nhiên, vừa qua Công ty Lê Minh phát hiện một số trang web đã quảng cáo bất động sản có giới thiệu dự án căn hộ với tên gọi "Dự án căn hộ Lê Minh Bộ Công an", với mục đích kêu gọi khách hàng đặt chỗ.

Đi đòi đồng tiền “mồ hôi, xương máu”

Nhiều người phải tích cóp cả đời để có thể mua một căn nhà, đầu tư một miếng đất. Đó chính xác là những đồng tiền từ “mồ hôi, xương máu” được họ gửi gắm để tìm một chốn an cư, hay kiến tạo một tương lai. Nhưng các bất động sản “dự án ma” đã cướp trắng giấc mơ của họ.

Lúc rao bán, để tạo niềm tin cho khách hàng, Công ty Bảo Long đã tổ chức san ủi, làm đường sá, xây dựng hạ tầng trên khu đất. Số tiền Công ty Bảo Long thu của khách hàng góp vốn mua dự án này lên đến gần 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm cam kết, phía Công ty Bảo Long vẫn không cung cấp hồ sơ hoàn thiện pháp lý, không ra sổ được cho khách hàng. Sau đó, nhiều khách hàng “tá hỏa” khi phát hiện thời điểm ký hợp đồng góp vốn lô đất này vẫn đang đứng tên người khác, chưa thuộc chủ quyền của Công ty Bảo Long.

Bà Rịa – Vũng Tàu chấm dứt nhiều dự án chậm triển khai trong năm 2020

Tính từ thời điểm lập phương án xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2014, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động của 179 dự án; trong đó có 12 khu đất đã được trả lại hiện trạng cho người dân sử dụng, 4 khu đất đã được chuyển đổi quy hoạch và 163 khu đất tiếp tục giữ quy hoạch.

Nguyên nhân là do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, hết thời hạn sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khó khăn trong huy động vốn đầu tư, chưa thu hút được nhà đầu tư; một số dự án chưa nộp tiền thuê đất và san lấp mặt bằng, nhà đầu tư chưa tập trung triển khai dự án, một số nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, một số dự án gặp khó khăn về giao thông kết nối.

Nhà phố cho thuê vẫn “cửa đóng then cài”

Từng là kênh đầu tư hái ra tiền cho chủ nhà với giá thuê từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng ở thời điểm hiện tại hàng loạt căn nhà mặt tiền nằm ở các tuyến đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn lại rơi vào tình cảnh “cửa đóng then cài”.

Trên thực tế, từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, tình trạng những căn nhà phố bị bỏ trống trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại trong trung tâm thành phố. Các công ty, cửa hàng thời trang,... đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19 khiến những mặt bằng trước đây luôn đắt khách thuê với mức giá cao ngất ngưởng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Chỉ tay vào căn nhà hai mặt tiền nằm ngay đường Hai Bà Trưng, anh Thắng - một tài xế xe ôm công nghệ - cho biết mấy tháng qua kể từ khi cửa hàng thời trang ở đây trả lại mặt bằng, khu vực này trở thành điểm nghỉ chân chờ khách của giới tài xế xe ôm và những gánh hàng rong.

Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô

Ghi nhận của PV tại các chung cư nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình nhiều đơn nguyên đang trong tình trạng nghiêng, sút lún nghiêm trọng. Những mảnh tường, vừa bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Biển cảnh báo, kết luận nguy hiểm cấp độ D được treo ngay lối lên cầu thang. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ gia đình vẫn sinh sống, sinh hoạt tại đây bất chấp cảnh báo di dời.

Theo thông tin từ BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình (Hà Nội), trên địa bàn quận Ba Đình có 4 chung cư cấp độ D là Đơn nguyên 1,3 tập thể Bộ Tư pháp; Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công; Đơn nguyên 3 tập thể C8 Giảng Võ. Trong đó có 155 hộ cần được di dời..

Từ 5/12, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cá nhân theo đề nghị của cơ quan thuế

Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Việc cung cấp thông tin về tài khoản được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

  • Nóng trong tuần: Lao đao vì "sập bẫy" dự án ma

    Nóng trong tuần: Lao đao vì "sập bẫy" dự án ma

    CafeLand - Dự án bất động sản 'ma' lại nở rộ: Người mua lao đao; Vốn ngoại vào bất động sản tăng 400% trong quý 3; Khổ vì hồ sơ tách thửa tại huyện Hóc Môn bị "ngâm"; Mua cổ phiếu bất động sản, coi chừng “của rẻ là của ôi”... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.