Địa phương có nhiều thế mạnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trình đề án thành lập thành phố mới trong năm nay; Hơn 1 triệu tỷ đồng được “bơm” vào thị trường bất động sản; Hé lộ vị trí xây sân bay Thái Bình sau năm 2030; Thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, hé lộ thời điểm bật tăng giao dịch... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Địa phương có nhiều thế mạnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trình đề án thành lập thành phố mới trong năm nay

Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ sẽ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.

Phú Mỹ nằm ở phía tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích khảng 334ha. Thị xã nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60km, cách TP Vũng Tàu khoảng 40km và cách TP Bà Rịa khoảng 20km.

Không chỉ thừa hưởng vị trí liền kề với nhiều đô thị lớn, Phú Mỹ cũng hưởng lợi nhờ gắn liền với mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối rất đa dạng đã và đang được đầu tư. Trong đó có nhiều tuyến giao thông liên vùng như quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường 911B, cầu Phước An nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai), đường Vành đai 4, hệ thống đường sông….

Dù không gắn trực tiếp song Phú Mỹ cũng có vị trí liền kề với nhiều hạ tầng giao thông quan trọng khác như đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành....

Vĩnh Long muốn xây sớm cầu 3.200 tỉ, Bộ Giao thông Vận tải nêu tiến độ ra sao?

Vĩnh Long kiến nghị sớm đầu tư cầu Đình Khao nối tỉnh này với Bến Tre nhằm thúc đẩy kinh tế và thay thế cho phà Đình Khao đã quá tải. Theo đề xuất của UBND tỉnh Vĩnh Long dự án có vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ, thực hiện theo hình thức PPP.

Bộ GTVT cho biết, Bộ thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long về sự cần thiết sớm đầu tư xây dựng cầu Đình Khao kết nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao. Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với hai địa phương, các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu phương án đầu tư dự án và giao UBND tỉnh Vĩnh Long làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Long chủ trì triển khai thực hiện, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ GTVT cho biết, khi hồ sơ được Hội đồng thẩm định liên ngành thông qua, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tỉnh nằm trong top đầu thu hút vốn FDI tăng tốc với hơn 410 triệu USD ngay dịp đầu năm

Ngày 8/1, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án FDI trên địa bàn với số vốn đăng ký hơn 410 triệu USD.

Trong số 9 dự án này, có 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 156,4 triệu USD, 4 dự án FDI tăng tổng vốn đầu tư 217 triệu USD và 1 dự án kinh doanh hạ tầng KCN tăng vốn đầu tư 871,8 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án Freudenberg & Vilene International Việt Nam - Long Thành, tại KCN Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành), chuyên sản xuất gòn bông, gòn bi, gòn tấm, tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD, do Công ty TNHH Freudenberg & Vilene International Việt Nam (Hồng Kông - Trung Quốc) làm chủ đầu tư;

Dự án K-Upa Vina tại KCN Nhơn Trạch I (H.Nhơn Trạch), hoạt động lĩnh vực dịch vụ lưu giữ hàng hóa, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD do Công ty TNHH KCTC Vina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ryder Industries Việt Nam do Công ty TNHH Ryder Industries Limited (doanh nghiệp Hồng Kông - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, tại KCN Long Thành (H.Long Thành) có tổng vốn đầu tư 15 triệu USD;

Thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, hé lộ thời điểm bật tăng giao dịch

Tại Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, những tháng đầu năm 2023 thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hết sức hạn chế ở hầu hết các loại hình bất động sản.

Số lượng các dự án mở bán rất ít, trong đó số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong 6 tháng đầu năm chỉ có 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng bất động sản giao dịch cũng chỉ đạt khoảng 36-41% so với cuối năm 2022 ở tùy từng phân khúc, kéo theo đó là lượng sản xuất và tiêu thụ ở hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng chủ yếu đều có mức tăng trưởng âm, có nhiều tháng âm lên đến hai con số.

Theo Bộ Xây dựng, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch BĐS giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đến cuối tháng 9.2023, hàng tồn kho BĐS rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường BĐS để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Hơn 1 triệu tỷ đồng được “bơm” vào thị trường bất động sản

Trong báo cáo về thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/11/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 283.876 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 39.096 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 67.557 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 45.177 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 59.484 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 123.083 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 68.694 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 335.565 tỷ đồng.

Hé lộ vị trí xây sân bay Thái Bình sau năm 2030

Theo Quyết định 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình dự kiến sẽ có vị trí tại huyện Tiền Hải.

Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án. Cũng theo quy hoạch này, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Cụ thể, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, giao thông nội bộ và hạ tầng các khu công nghiệp để Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh; có không gian kinh tế hiện đại, bền vững, liên kết với Vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước có uy tín và năng lực về tài chính, quản trị, công nghệ vào đầu tư tại Khu kinh tế Thái Bình. Chú trọng thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình và các doanh nghiệp hiện có của tỉnh.

  • Nóng trong tuần: Dự báo thị trường bất động sản 2024

    Nóng trong tuần: Dự báo thị trường bất động sản 2024

    Thị trường bất động sản sẽ “bùng nổ” từ quý 3/2024; Sẽ "bơm" khoảng 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế năm 2024; Tuyến Quốc lộ đặc biệt nối Long An với Đồng Tháp sẽ được mở rộng lên 6 làn xe; Bà Rịa – Vũng Tàu Quốc hội “gỡ vướng” loạt dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.