05/07/2025 6:35 PM
TP.HCM cho công bố 112 dự án được miễn giấy phép xây dựng, sẽ công bố tiếp đợt 2 vào 15/7; Sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ áp dụng bảng giá đất nào; Cầu Nhơn Trạch chuẩn bị đưa vào khai thác: Bất động sản khu vực này sắp “sốt” trở lại; Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Mã Đà... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Nóng trong tuần: 112 dự án đủ điều kiện được miễn giấy phép xây dựng tại TP.HCM- Ảnh 1.

Hình minh họa

TP.HCM cho công bố 112 dự án được miễn giấy phép xây dựng, sẽ công bố tiếp đợt 2 vào 15/7

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường về cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt hoặc chấp thuận phù hợp quy định.

Theo đó, sau khi nghe Sở Xây dựng báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp tại cuộc họp ngày 2/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng công bố danh mục 112 dự án đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng.

Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn UBND các phường, xã có liên quan danh mục 112 dự án thực hiện đồng bộ niêm yết công khai danh mục các dự án đã đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng. Đồng thời cập nhật các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng.

Cùng với đó, hướng dẫn UBND các phường, xã thực hiện thống nhất trong việc hướng dẫn cá nhân, tổ chức tuân thủ quy hoạch được duyệt và tuân thủ các quy định pháp luật về khởi công xây dựng khi tiếp nhận thông báo thời điểm khởi công xây dựng.

Cầu Nhơn Trạch chuẩn bị đưa vào khai thác: Bất động sản khu vực này sắp “sốt” trở lại?

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2km, rộng 19,5m, là gói thầu chính của dự án thành phần 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM, được khởi công vào tháng 9/2022. Đây cũng là cây cầu lớn nhất trên tuyến vành đai này. Gói thầu còn lại của dự án 1A là đường dẫn hai đầu cầu, tổng chiều dài gần 6km.

Theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 6/2025, lũy kế sản lượng dự án thành phần 1A bao gồm cầu Nhơn Trạch và đường dẫn đến nay đã đạt khoảng 97% tổng giá trị các hợp đồng xây lắp, cơ bản hoàn thành công tác thi công.

Cụ thể, gói thầu CW1 (xây dựng cầu Nhơn Trạch và một phần đường hai đầu cầu) sản lượng lũy kế đạt 99,24%. Hiện chỉ còn thi công một phần nhỏ bê tông nhựa, đèn chiếu sáng và hệ thống an toàn giao thông.

Trong khi đó, gói thầu CW2 (xây dựng đường dẫn phía TP.HCM và Đồng Nai) đã đạt 93,8%, các hạng mục còn lại của gói thầu gồm một phần bê tông nhựa, an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm thu phí… cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành trước ngày 30/7, rút ngắn từ 1,5 đến 2,5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, với tiến độ trên, dự án thành phần 1A có kế hoạch đưa vào khai thác, sử dụng vào ngày 19/8 tới đây.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Làm mới, phân vùng quy hoạch TP.HCM

Sáng 4/7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, theo hình thức trực tiếp tại UBND TP.HCM và trực tuyến đến 168 phường, xã, đặc khu.

Phát biểu định hướng nội dung thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề nghị các đại biểu tập trung những nội dung trọng tâm, phân tích làm rõ những tồn tại, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Trong đó, báo cáo tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cấp xã; tỷ lệ người dân đến thực hiện giao dịch trong những ngày đầu; thái độ phục vụ của cán bộ, công chức…

Về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết dù tăng trưởng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra giải pháp cụ thể đảm bảo tăng trưởng GRDP chỉ tiêu Chính phủ giao.

Về quy hoạch, trước đây TP.HCM (cũ), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố quy hoạch và thực hiện riêng theo từng địa phương. Hiện nay, với TPHCM (mới) cần có góc nhìn rộng hơn với tâm thế mới, dư địa mới, tầm nhìn chiến lược mới.

Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Mã Đà

Ngày 3/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối giao thông thuận lợi giữa tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ) để tạo nên hệ thống giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới.

Việc xây cầu Mã Đà nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân. Đồng thời, hình thành trục giao thông liên vùng kết nối các tỉnh Tây Nguyên đến với sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics liên tỉnh, các khu công nghiệp... thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Cầu Mã Đà được đầu tư xây dựng là công trình giao thông cấp III, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án thực hiện đầu tư xây dựng cầu Mã Đà (bao gồm đường dẫn đầu cầu) có điểm đầu giao với đường tỉnh 753; điểm cuối giao với đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4TP.HCM.

Sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ áp dụng bảng giá đất nào?

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), thực hiện Nghị quyết 1685 ngày 16/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM năm 2025, TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập từ ba đơn vị hành chính cấp tỉnh là TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ.

Do đó, sau khi sáp nhập thành TP.HCM mới, thì bảng giá đất ban hành theo Luật đất đai 2013 vẫn sẽ tiếp tục sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2025.

Mặt khác, bảng giá đất ban hành theo Luật đất đai 2013 được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật đất đai 2024. Theo đó, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Do đó, bảng giá đất được xây dựng theo vị trí, khu vực, tuyến đường cụ thể có tên trong bảng giá đất của ba tỉnh, thành trước khi sáp nhập sẽ áp dụng theo nguyên tắc tại vị trí, khu vực và tuyến đường cụ thể tại địa giới hành chính của ba tỉnh trước khi sáp nhập, tương ứng địa giới hành chính của 168 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP.HCM.

Tin vui cho người dân TP.HCM

Người dân TP.HCM vừa đón nhận tin vui khi tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON công bố kế hoạch mở thêm 3 trung tâm thương mại nghìn tỷ tại TP.HCM và nhu cầu tuyển dụng lên tới 1.500 nhân sự cho mỗi trung tâm.

Thông tin trên được ông Tezuka Daisuke, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam kiêm Trưởng Đại diện Tập đoàn AEON tại Việt Nam, đưa ra trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được vào chiều 2/7.

Tại đây, ông Tezuka bày tỏ sự chúc mừng trước việc TP.HCM được mở rộng địa giới hành chính, trở thành đại đô thị năng động với tiềm năng phát triển vượt trội. Đồng thời, ông cũng giới thiệu tổng quan định hướng đầu tư dài hạn của AEON tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Theo kế hoạch, 3 trung tâm mua sắm mới sẽ được triển khai trên địa bàn TP.HCM mới, bao gồm cả khu vực thuộc Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ sau sáp nhập. Mỗi trung tâm có quy mô lớn, hiện đại và dự kiến cần từ 1.000 – 1.500 lao động để vận hành.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.