Nợ xấu đã quá lớn, đòi hỏi phải có sự can thiệp của Chính phủ để kéo nền kinh tế không rơi vào suy kiệt.

Nền kinh tế đang gặp căn bệnh khó trị: suy kiệt tín dụng (suy kiệt vốn). Doanh nghiệp và ngân hàng rơi vào tình cảnh, có tiền không dám cho vay, người đi vay không thể vay, có vay được vốn cũng không biết làm gì. Người có vốn và cần vốn nhìn nhau qua “hàng rào sắt” mà không thể vượt qua. “Nguyên nhân chính là nợ xấu tại các NHTM đang lên rất cao. DN đã kiệt sức, số lượng DN phá sản ngày càng nhiều, nợ xấu ngày càng tăng lên. Năm 2011 khoảng 3,07%, năm 2012 đã tăng lên 4,5%” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Ông Nghĩa đưa ra ví dụ tại Nhật Bản thời kỳ khủng hoảng nợ xấu những năm 90, con số được công bố là khoảng 2000 tỷ yên. Chính phủ Nhật Bản đã không quan tâm nợ xấu và tập trung cho xây dựng cơ bản để phục hồi kinh tế. Thế nhưng, tăng đầu tư công mà nền kinh tế không phục hồi. Lúc này Chính phủ mới thấy nợ xấu là nguyên nhân khiến nền kinh tế không tăng trưởng. Chính phủ Nhật Bản cũng đồng thời tìm ra con số nợ xấu thực là 40.000 tỷ yên.

Việc tìm giải pháp xử lý nợ xấu gây tranh cãi trong một thời gian dài giữa các đảng phái Nhật Bản. Cho đến khi quyết định thì tình hình đã quá xấu, DN phá sản quá lớn, nền kinh tế không có khả năng phục hồi.

Từ bài học này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, “Tình trạng của Việt Nam bây giờ cũng tương tự. Nhật Bản đã phải trả giá đau đớn, suy kiệt thực sự khi 16 năm lạm phát và tăng trưởng đều 0%”.

Đến bây giờ nợ xấu đã quá lớn, tới mức DN và NH không có khả năng tự xử lý. Đây là cục máu đông làm nghẽn mạch hệ thống tuần hoàn, nên cần có sự can thiệp của Chính phủ.

Ông Lê Xuân Nghĩa giả định nợ xấu 8-10% nếu để các NH tự xử lý thì mỗi năm chỉ xử lý 1-1,5% nhiều nhất cũng chỉ 2%. Trong vòng 5 năm xử lý nợ xấu dứt khoát NHTM phải thực hiện không để tín dụng mới tăng thêm hoặc kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt tín dụng mới; duy trì lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động để bù đắp chi phí xử lý nợ xấu mà họ phải gánh. “Liệu có chờ được 5 năm tăng trưởng rất thấp, lạm phát thấp, DN suy kiệt, đình đốn để rồi sau đó phục hồi không? Tôi nghĩ thời gian ko chỉ là 5 năm mà có thể lâu hơn nữa” – ông Nghĩa nói.

Theo phân tích của ông Nghĩa, Nhật Bản là nền kinh tế mạnh, năng suất lao động cao nhất nhì thế giới mà phải nhọc nhằn, khổ sở suốt 16 năm trời mới lấy lại được tăng trưởng, còn chúng ta thì sao? Trong lúc này phải lựa chọn cách duy nhất giải quyết vấn đề này là sự can thiệp của Chính phủ.

Các phương án xử lý nợ xấu

Khi Chính phủ đã can thiệp vào giải quyết nợ xấu sẽ có các phương án để lựa chọn: thứ 1 là bơm thẳng tiền từ NS vào NHTM bắt buộc họ dùng tiền đó cho DN vay. Cách này rủi ro lớn, vì bơm tiền thì chưa chắc NHTM đã cho vay, vì cho vay sẽ phá hết chuẩn tín dụng hiện tại. Các NHTM đều của một vài ông chủ, sau lưng họ là rất nhiều DN vì thế, không khéo lại đẩy tiền CP vào các DN của các ngân hàng này.

“Trước đây đã từng làm theo cách này, nhưng hồi đó chủ yếu là NH quốc doanh và DNNN. Tình cảnh giờ khác, có nhiều DN tư nhân nợ NH gấp 3 lần Vinashin, 4 lần Vinalines thì sao làm được” – ông Nghĩa nói.

Chính vì thế, ông Lê Xuân Nghĩa bày tỏ sự ủng hộ phải chọn cách thứ 2 là thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC). Công ty này có nhiệm vụ mua hết toàn bộ nợ xấu từ NHTM chuyển về mình, mua với giá nào sẽ đàm phán, nhưng trong một thời gian ngắn sẽ chuyển toàn bộ nợ xấu về AMC, DN sẽ không còn nợ xấu ở NH nữa mà họ sẽ nợ AMC.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, công ty mua bán nợ có thể thực hiện “thu gom” nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo ba cách. Thứ nhất, biến khoản nợ thành cổ phần để trở thành cổ đông của doanh nghiệp với trường hợp đó là những doanh có tiềm năng phát triển sau khủng hoảng. Như vậy, những tài sản thế chấp sẽ được trả lại cho công ty đó.

Thứ hai, bán các tài sản nợ, tài sản thế chấp từ nợ bằng cách đấu giá công khai. Kết thúc đợt bán, công ty mua bán nợ sẽ lấy lại vốn đã bỏ ra, còn lại trả cho doanh nghiệp.

Thứ ba, chứng khoán hóa các khoản nợ và bán trái phiếu ra thị trường. Cách làm này đòi hỏi phải có một thị trường chứng khoán tốt như ở Mỹ. Ngoài ra, một số khoản nợ cần được xóa đi như của nông dân vay trồng trọt, chăn nuôi do thiên tai, dịch bệnh làm cho mất hết…

Nói về mức giá mà công ty mua bán nợ khi đi thu gom nợ xấu ngân hàng, ông Nghĩa dẫn chứng kinh nghiệp từ Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ định giá mua nợ xấu theo nhóm, nhóm 3 giá bao nhiêu, nhóm 4 giá bao nhiêu… và các công ty mua bán nợ sẽ mua theo giá này. Trong trường hợp các ngân hàng thương mại không bán thì NHNH có thể tăng dự phòng rủi ro, bắt trích lập đầy đủ, thậm chí theo chuẩn kế toán mới để dự tính năm sau trừ vào tổng tài sản.

Mục tiêu của việc xử lý nợ xấu chính là để “tiền tươi thóc thật” chảy vào nền kinh tế chứ không phải là những khoản tiền ảo. Có như vậy, nền kinh tế mới tăng trưởng thật.

“Câu hỏi làm gì, làm như thế nào đã thấy rõ, vì trên thế giới các nước đã làm rồi. Nhưng giờ thì ai làm, có làm nổi không? Thì đây là việc của Chính phủ. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ quyết tâm làm và có thể làm được”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh./.

Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.