25/07/2012 7:34 AM
Các chuyên gia nhận định nợ xấu của toàn hệ thống quý II sẽ không dừng ở tỷ lệ 8,6% như Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến 31/3, chủ yếu do kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chưa thể trả nợ ngân hàng.

Trong số 6 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý II, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ nếu so với quý I. Đây cũng là 2 đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng ở mức cao (gần 10-30%) so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm, nợ xấu tại cả 6 nhà băng đã công bố đều tăng mạnh (xem biểu đồ). Riêng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) nợ xấu tăng lên gần 4%.

So sánh tỷ lệ nợ xấu tại 3 thời điểm: Đầu năm, cuối quý I và cuối quý II. Số liệu: BCTC.

Cụ thể, so với thời điểm 1/1/2012, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 2,03% vọt lên 3,47%, Vietinbank cũng tăng từ 0,74% lên 2,45%. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 - nhóm có nguy cơ rủi ro cao nhất) cũng tăng gần 2.000 tỷ đồng. Với trường hợp của Navibank, nợ xấu tính đến 30/6 là 511 tỷ đồng, trong đó 45% là nợ có khả năng mất vốn (tương đương 231 tỷ đồng). Trong khi đó, theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3, nợ nhóm 5 của toàn ngành chiếm khoảng 40% tổng nợ xấu (tương đương 117,7 nghìn tỷ đồng).

Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng nào càng mạnh, trước đây càng cho vay nhiều thì giờ vướng nợ xấu càng cao. Do đó, theo họ, tỷ lệ thuận với quy mô, hai "ông lớn" Vietcombank và Vietinbank mới có con số nợ xấu tăng nhanh như vậy.

Bình luận về con số nợ xấu gần 3% của Vietinbank và 4% Vietcombank, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết, với một ngân hàng quốc doanh quy mô lớn, thì tỷ lệ nợ xấu gần 4% là "đáng lo ngại". Ông cũng đưa ra phỏng đoán: "Có thể nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh tăng cao do họ phải cho vay theo chỉ định đối với các doanh nghiệp nhà nước nhiều".

Còn theo lý giải của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - việc nợ xấu tăng nhanh không nên đổ lỗi tất cả cho ngân hàng. Theo ông, các doanh nghiệp không thể trụ nổi trong tình hình hiện nay nên mới để nợ xấu nhiều thêm.

"Kinh tế không phục hồi ảnh hưởng đến doanh nghiệp chứ đâu phải tại ngân hàng. Để càng lâu thì kinh tế càng đình đốn, doanh nghiệp càng sa sút thì nợ xấu càng tăng lên. Sắp tới nợ xấu sẽ còn tăng với cấp độ còn nhanh hơn những năm trước nhiều", ông Lê Xuân Nghĩa dự đoán.

Về phần mình, lãnh đạo các ngân hàng cũng "phân trần" nợ xấu tăng là không tránh khỏi bởi các doanh nghiệp đang quá khó khăn. Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB phân tích, kinh tế đi xuống, khả năng thanh toán và mua bán của doanh nghiệp cũng thấp đi dẫn đến việc nợ xấu tăng. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đã tăng từ 0,85% lên 1,53% sau 6 tháng đầu năm dù đại diện của ACB khẳng định không có nợ xấu bất động sản và chứng khoán như ở nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, vị này thừa nhận, nợ xấu rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp sản xuất, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Kiến Thành, một lý do nữa khiến con số nợ xấu quý II tăng hơn quý I là do trước đây các ngân hàng vẫn không khai báo đúng, đủ và trung thực số nợ xấu. "Nợ xấu có thể còn cao hơn nhiều những gì các ngân hàng đang công bố. Ngân hàng không muốn trích lập dự phòng nên không khai trung thực", vị này lo ngại.

Quyền Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thừa nhận việc chưa thể kiểm tra được hết các hợp đồng của ngân hàng và có tình trạng nhiều nhà băng việc nhà băng vi phạm, che giấu nợ xấu. "Việc phát hiện những vi phạm về phân loại nợ chỉ có thể qua các đoàn thanh tra tại chỗ. Tuy nhiên, với hơn 100 tổ chức tín dụng, không thể nào trong một năm tiến hành thanh tra đồng loạt được", ông Nghĩa cho hay.

Nợ xấu toàn ngành theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mới công bố là 202.000 tỷ đồng (chiếm 8,6% dư nợ) tính tới 31/3. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu e ngại: "Với tốc độ gia tăng nợ xấu tại từ quý I đến quý II, con số nợ xấu thực của ngành chắc chắn sẽ vọt lên trên 10%. Mà 10% thì rõ ràng là đáng báo động và nguy kịch". Trước đó, hồi tháng 3, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng báo cáo nợ xấu có thể trên 10%.

Các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng rủi ro được 67.000 tỷ để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trích lập như vậy là quá ít. "Việc đánh giá các khoản nợ để trích lập dự phòng rủi ro có thể không chính xác và quá thấp. Theo tính toán của tôi, trích lập dự phòng phải từ 100.000 - 130.000 tỷ thì mới đầy đủ", ông Hiếu ước tính.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.