Dùng tài sản cố định và hàng tồn kho để thế chấp ngân hàng
Năm 2022 là một năm bất ổn của kinh tế toàn cầu dưới tác động kép từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine hay chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Ngành thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bối cảnh vĩ mô, hàng loạt các nhà máy phải liên tiếp lên kế hoạch giãn hoặc ngừng sản xuất, đặc biệt là trong nửa cuối năm, giá thép trên thị trường liên tục bị điều chỉnh.
Vay nợ gần 57.900 tỉ đồng, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát là ai?
Với việc lãi suất tăng vào cuối năm ngoái, không ít doanh nghiệp thép sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính, ngoài áp lực trả nợ gốc vay thì còn gia tăng thêm gánh nặng trả lãi. Gánh nặng này phần nào được thể hiện qua số liệu hoạt động kinh doanh của “ông lớn” Hòa Phát.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 mới được công bố, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có hơn 74.200 tỉ đồng nợ phải trả tại ngày 31.12.2022. Tổng giá trị nợ vay là 57.900 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 46.749 tỉ đồng, chiếm 81% tổng nợ vay và còn lại là hơn 11.151 tỉ đồng vay dài hạn.
Được biết, tài sản bảo đảm cho các khoản vay này bao gồm tiền gửi, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, bất động sản đầu tư.
Cụ thể, Hòa Phát đang dùng 5,7 tỉ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng để làm tài sản đảm bảo tại các ngân hàng phục vụ việc sử dụng hạn mức tín dụng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 7.935 tỉ đồng tiền gửi được dùng để thế chấp vào ngày 1.1.2022, đồng thời chỉ là một phần nhỏ trong tổng giá trị tiền gửi ngắn hạn 26.268 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2022.
Các khoản tiền gửi này có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng, hưởng lãi suất dao động từ 2,95% đến 11,6%/năm, cao hơn so với khoảng 2,3% - 7,8%/năm vào ngày đầu năm 2022.
Tương tự, Hòa Phát cũng đang dùng số hàng tồn kho có giá trị ghi sổ 15.603 tỉ đồng tại ngày 31.12 để thế chấp tại các ngân hàng, giảm nhẹ so với con số 15.947 tỉ đồng vào ngày 1.1.2022.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng giá trị tài sản cố định hữu hình của Hòa Phát là xấp xỉ 70.200 tỉ đồng. Trong đó, số tài sản cố định hữu hình có giá trị còn lại 46.291 tỉ đồng được thế chấp tại ngân hàng để bảo đảm cho các khoản vay của tập đoàn, giảm hơn 1.400 tỉ đồng so với giá trị thế chấp tại ngày đầu năm.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng thế chấp tài sản cố định vô hình với giá trị còn lại 47 tỉ đồng, bất động sản đầu tư trị giá 7,6 tỉ đồng cho các khoản vay.
Ai đang là chủ nợ lớn nhất của Hòa Phát?
Tính đến cuối năm 2022, Hòa Phát đang vay ngắn hạn 46.749 tỉ đồng. Các khoản vay ngắn hạn bằng VND và USD với giá trị ghi sổ tương ứng 19.282 tỉ đồng và 5.470 tỉ đồng được đảm bảo bằng các khoản tiền gửi, phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang, chi phí trả trước, quyền phải thu và một số cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên Hội đồng quản trị Hòa Phát.
Theo đó, các khoản vay ngắn hạn bằng VND tại ngày 31.12 chịu lãi suất từ 3,47% đến 8,5% mỗi năm, cao hơn so với khoảng 2,4% - 6,5% mỗi năm tại thời điểm đầu năm 2022. Báo cáo tài chính kiểm toán được công bố mới đây không thuyết minh rõ các chủ nợ ngắn hạn của Hòa Phát gồm những bên nào.
Về phía vay dài hạn, Hòa Phát đang nợ 18.797 tỉ đồng tại ngày 31.12, trong đó có 7.645 tỉ đồng đến hạn trong trong vòng 12 tháng. Số phải hoàn trả sau 12 tháng kể từ cuối năm 2022 là 11.152 tỉ đồng.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (VietinBank Hà Nội) đang là chủ nợ lớn nhất với giá trị cho vay dài hạn (bao gồm số phải hoàn trả trong vòng 12 tháng) là xấp xỉ 5.200 tỉ đồng. Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công (Vietcombank Thành Công) với giá trị gần 5.165 tỉ đồng.
Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam và Ngân hàng BNP Paribas lần lượt đứng thứ ba và thứ tư với giá trị cho vay dài hạn tương ứng 3.483 tỉ đồng và 1.460 tỉ đồng.
Với các khoản vay dài hạn bằng VND, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đang chịu lãi suất từ 2,6% đến 8,4% mỗi năm.
Cũng trong năm 2022, Hòa Phát đã chi ra 3.061 tỉ đồng để trả lãi vay. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả 8,4 tỉ đồng tiền lãi vay.
Trong năm vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận cả năm đạt 8.444 tỉ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch, trong khi năm 2021 Hòa Phát lãi kỷ lục tới 34.475 tỉ đồng.
Cũng chính vì kết quả kinh doanh sụt không như kế hoạch, đây là năm đầu tiên Hòa Phát không chia cổ tức kể từ khi niêm yết. Trong khi những năm trước vẫn trả cổ tức đều đặn 20-50%/năm.
Bước sang năm 2023, Hòa Phát đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu 150.000 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% so thực hiện nhưng vẫn lùi so cùng kỳ 2022. Lợi nhuận đặt được 8.000 tỉ đồng, giảm 5% so với năm trước.
-
Công ty thép doanh thu nghìn tỷ vừa chứng kiến điều chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây
Năm 2024, Gang thép Cao Bằng ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.188 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; công ty báo lỗ sau thuế hơn 150 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi hơn 1,6 tỷ đồng.
-
Hòa Phát, Nam Kim… và loạt doanh nghiệp thép mạnh tay đầu tư nhà máy mới để “đón sóng” thị trường bất động sản
Trong khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát sẽ bắt đầu chạy thử đầu quý 1/2025, nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng đang chuẩn bị nguồn vốn để xây thêm nhà máy mới, đón sóng phục hồi của thị trường....
-
Những khoản lãi ngành thép 2024 dần lộ diện, một hãng thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa báo lợi nhuận tăng hơn 1.100%
Doanh nghiệp này đánh giá thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.