Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Năm 2006, theo vận động của chính quyền địa phương, 31 hộ dân Tam Sơn chuyển đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án nhà máy xi măng Công Thanh. Đến nay, đã 12 năm trôi qua người dân vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Ông Lương Văn Hoàng cho biết, thời điểm vận động, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cùng lãnh đạo nhà máy xi măng Công Thanh có buổi làm việc với các hộ dân. Theo thỏa thuận, 31 hộ này thực hiện giao đất để tái định cư sang nơi ở mới theo hình thức đất đổi đất.
12 năm qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi
“Lúc ấy, lãnh đạo nhà máy và chính quyền địa phương hứa có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chúng tôi sẵn sàng nhường đất. Nhưng 12 năm trôi qua, 31 hộ dân vẫn mòn mỏi chờ đợi mà không thấy”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, đất nơi ở cũ của các hộ dân trước đây rất rộng, có nhà cả vài héc ta. Giờ sang khu tái định cư chỉ có 400m2, không có đất để canh tác, đường sá, điện, nước thiếu thốn. Người dân muốn vay mượn ít vốn để chăn nuôi cũng không được vì đất không có sổ đỏ.
Cùng chung bức xúc, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ, đa số người dân ở đây là người dân tộc Thái, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.
"Khi chuyển sang chỗ ở mới, chúng tôi tưởng sớm được cấp sổ đỏ để có thể thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn, nhưng đã 12 năm trôi qua vẫn chưa nhận được gì", chị Lan kể.
Chị Lan mong các cơ quan chức năng sớm cấp sổ đỏ cho người dân nơi đây
"Nhiều lần đến hỏi các cơ quan chức năng thì chúng tôi mới biết, do đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên chưa được cấp sổ đỏ. Chúng tôi đổi đất. Đại diện nhà máy và chính quyền địa phương đã hứa sau khi đổi đất sẽ làm sổ đỏ cho dân, sao giờ lại nói vậy”, chị Lan nói.
Nhà máy chây ì nộp nghĩa vụ tài chính
Ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết, việc các hộ dân tái định cư phản ánh nhiều năm qua chưa được cấp sổ đỏ là có.
Sau khi thực hiện đất đổi đất, người dân ra khu tái định cư ở. Đến năm 2008, chính quyền địa phương đã làm hồ sơ gửi lên huyện để cấp sổ đỏ cho người dân, nhưng huyện không làm với lý do không có hồ sơ nào thể hiện đã nộp nghĩa vụ tài chính. Cũng từ đó đến nay người dân không được làm sổ đỏ, khó khăn trong việc vay vốn phát triển sản xuất.
Một góc xóm tái định cư
“Địa phương cũng đã làm hết trách nhiệm. Nguyên nhân các hộ chưa được cấp sổ đỏ là do không được thể hiện rõ ai (người dân hay nhà máy xi măng – PV) phải nộp nghĩa vụ tài chính.
Vấn đề này UBND huyện vẫn đang làm rõ trách nhiệm. Quan điểm của địa phương là phải giải quyết sớm và dứt điểm việc này để người dân ổn định cuộc sống”, ông Bê nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Bá Trung, Trưởng phòng TN&MT huyện Tĩnh Gia cũng tỏ ra bất bình.
Theo ông Trung, huyện đã xác định được trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính thuộc về nhà máy xi măng Công Thanh. Huyện cũng đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu nhà máy thực hiện nghĩa vụ này để có cơ sở cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân, nhưng phía nhà máy không phúc đáp.
Nhiều lần UBND huyện đề nghị nhà máy xi măng thanh toán tiền để giải quyết cho dân nhưng nhà máy vẫn chây ì
Cụ thể, tháng 11/2008, UBND huyện có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT nhà máy xi măng Công Thanh về việc hoàn trả tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước, số tiền bồi thường về đất được phê duyệt là 492.800.000 đồng tại mặt bằng nhà máy và 22.400.000 đồng tại mặt bằng tái định cư.
Trong đó đề nghị nhà máy chuyển toàn bộ số tiền đất khu tái định cư nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thực hiện.
“Do nhà máy chưa nộp nghĩa vụ tài chính nên huyện không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. UBND huyện Tĩnh Gia đề nghị nhà máy chuyển số tiền trên vào kho bạc nhà nước hoặc nộp về hội đồng kiểm kê bồi thường GPMB trước ngày 15/6/2018 để có cơ sở báo cáo tỉnh xin chủ trương giải quyết, nhưng đến nay nhà máy vẫn không chịu nộp”, ông Trung cho biết.