Sự ra đi của tầng lớp giàu có khiến giá bất động sản hạng sang tại các thành phố lớn như London, New York sụt giảm đáng kể.
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá nhà cao cấp ở Singapore sụt giảm 6,1%. Ảnh: Getty
Theo nghiên cứu của Knight Frank, giá trị trung bình của top 5% ngôi nhà đắt nhất tại một số thị trường bất động sản trọng điểm của thế giới ghi nhận xu hướng giảm trong 12 tháng qua, trong đó đáng chú ý nhất là London, New York và Dublin.
Báo cáo của Knight Frank cho biết: “Tỷ lệ các thành phố ghi nhận giá nhà hạng sang sụt giảm trong quý 3/2020 là 38%, tăng so với mức 23% trong quý 4/2019.”
Trong tháng 10 vừa qua, Singapore ghi nhận giá nhà hạng sang giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong số các thị trường được theo dõi. Ông Leonard Tay, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Knight Frank Singapore, giải thích nguyên nhân của sự sụt giảm này phần lớn là do các quy định hạn chế đi lại để phòng dịch khiến số người nước ngoài mua nhà ở Singapore ít hơn so với trước.
Tại một số thành phố khác, số người nước ngoài mua nhà cũng giảm khi lực lượng này trở về đất nước của họ. Thị trường việc làm gặp nhiều khó khăn, không còn nhiều việc cho người nước ngoài khiến họ lựa chọn hoặc buộc phải trở về quê hương thay vì tiếp tục lao động và tìm kiếm bất động sản ở nước sở tại.
Dubai vừa nới lỏng một số điều luật của mình với hy vọng nhóm chuyên gia nước ngoài sẽ ở lại trong bối cảnh giá nhà hạng sang ở tiểu vương quốc này đã giảm 3,7%. Còn ở Hồng Kông, tình trạng tương tự cùng những thay đổi, điều chỉnh về luật, tương lai chính trị khó lường cũng khiến người nước ngoài rời khỏi đặc khu này, kéo theo giá nhà sụt giảm 5,4%.
Những ngôi nhà gần biển ở quận Takapuna, Auckland có giá bán trung bình vào khoảng 12,5 triệu đô la New Zealand. Ảnh: Getty
Mặt khác, giá bất động sản cao cấp giảm cũng khiến tài sản của các chủ sở hữu “bốc hơi” một phần. Một báo cáo do New World Wealth công bố mới đây cho biết nhóm người giàu có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên (nhóm HNWIs) trên khắp thế giới mất đi khoảng 14% giá trị tài sản trong 6 tháng đầu năm nay. Bất động sản thường chiếm phần lớn tài sản của nhóm này nên những biến động của thị trường nhà đất cũng ảnh hưởng lớn đến mức độ giàu có của họ.
Trong khi đó, một số thành phố khác đang đi ngược lại xu hướng này. Việc giá bất động sản cao cấp đang tăng lên ở một số nơi cho thấy những người giàu có đang lên kế hoạch cho cuộc sống của họ sau Covid-19.
Thành phố Auckland, New Zealand là nơi chứng kiến giá bất động sản cao cấp tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng 12 tháng qua. Tính đến cuối tháng 10 năm nay, giá đã tăng 12% sau khi New Zealand được biết đến là một trong những nước kiểm soát Covid-19 tốt nhất. Số lượng đơn xin cư trú tại New Zealand đã bùng nổ, những người giàu có khắp toàn cầu sẵn sàng trả hơn 2 triệu USD để có quyền cư trú ở đây. Bộ phận khách hàng giàu có này nhắm tới các bất động sản có giá từ 13,7 triệu USD trở lên.
Bà Jane Guy, Giám đốc công ty bất động sản Premium Real Estate ở Auckland, tiết lộ: “Chúng tôi nhận thấy những người mua nước ngoài bị thu hút bởi phong cách sống bình dị ở Auckland sẽ cân nhắc lựa chọn nơi này thay vì các thành phố nổi tiếng tương tự nhưng đắt đỏ hơn như Sydney hoặc Vancouver.”
Đáng chú ý, thủ đô Manila của Philippines đứng thứ hai trong bảng xếp hạng mức độ tăng trưởng giá nhà cao cấp của Knight Frank, phần lớn nhờ vào thị trường nghỉ dưỡng mới nổi ở Batangas, một tỉnh phía nam Manila.
Tại Mỹ, các thành phố được giới nhà giàu yêu thích là Los Angeles, San Francisco và Miami. Trong khi đó, ở châu Âu, các thành phố Zurich và Geneva của Thụy Sĩ cũng chứng kiến giá nhà đang trên đà tăng cao.
"Đã qua rồi thời của những căn hộ áp mái (penthouse) xa hoa. Giờ đây, bất động sản ven mặt nước như biển, sông, hồ, có nhiều không gian ngoài trời mới là ưu tiên của những người giàu có" - bà Jane Guy cho biết.
-
Covid-19 tạo ra cơ hội giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở
CafeLand - Trong nhiều thế kỷ, những con phố hẹp quanh co trải sỏi đã tạo nên khu phố Alfama tại Lisbon với những câu chuyện thú vị về quá khứ của thành phố. Nhưng trong những năm gần đây, khi các quán cà phê thời thượng và căn hộ du lịch phát triển mạnh mẽ, khu phố lịch sử này bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về tương lai nhà ở của thành phố.