04/12/2020 1:05 PM
CafeLand - Trong nhiều thế kỷ, những con phố hẹp quanh co trải sỏi đã tạo nên khu phố Alfama tại Lisbon với những câu chuyện thú vị về quá khứ của thành phố. Nhưng trong những năm gần đây, khi các quán cà phê thời thượng và căn hộ du lịch phát triển mạnh mẽ, khu phố lịch sử này bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về tương lai nhà ở của thành phố.

Các căn hộ du lịch cho thuê theo phong cách Airbnb đang chiếm tới 1/3 số lượng nhà ở tại khu vực trung tâm thành phố. Nhiều người dân bắt đầu phàn nàn về tác động xấu của du lịch khi không thể thuê hay mua được nhà ở tại đây, một hiện tượng được gọi dưới cái tên terramotourism.

Tình hình này rất phổ biến trước khi đại dịch đưa du lịch vào bế tắc. “Ở một khía cạnh nào đó, Covid-19 đã tạo ra một cơ hội,” Fernando Medina, thị trưởng Lisbon, cho biết. “Vi-rút khiến khách du lịch không tới đây, nhưng chúng tôi lại có thời gian để suy nghĩ và sửa chữa mọi thứ để đưa chúng đi đúng hướng”.

Thành phố đã nắm bắt đúng thời điểm để đẩy mạnh một chương trình được thực hiện trước đại dịch: một kế hoạch đầy tham vọng để chuyển đổi một phần trong số hơn 20.000 căn hộ du lịch của thành phố thành nhà ở giá rẻ.

Sáng kiến này được thành phố coi là một lựa chọn “không có rủi ro”, cung cấp cho chủ nhà tới € 1.000 một tháng nếu họ cho thành phố thuê lại nhà trong tối thiểu năm năm. Thành phố sẽ tiếp quản, tìm người thuê, và cho thuê nhà với mức giá trợ cấp giới hạn bằng một phần ba thu nhập ròng của hộ gia đình.

Đối với các chủ nhà, thu nhập cho thuê có thể sẽ thấp hơn những gì họ có thể kiếm được từ khách du lịch, nhưng lại lâu dài và ổn định hơn, với đề nghị trả trước số tiền thuê nhà lên đến ba năm. Điều này rất có lợi cho chủ nhà khi họ đang phải vật lộn với sự không chắc chắn do đại dịch gây ra.

Những nỗ lực của Lisbon gợi ý cho các chính phủ trên khắp thế giới cách thức để định hình lại hướng tiếp cận và giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở.

Balakrishnan Rajagopal, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về quyền nhà ở, nói với Reuters vào tháng 5/2020: “Nhà ở cũng có thể thay đổi sâu sắc như cách thức làm việc của chúng ta trong đại dịch. Tôi hy vọng đây là cơ hội để định hình lại thị trường nhà ở cho thế giới hậu Covid-19”.

Một số ít chính phủ đã bắt đầu làm điều này. Ở Anh, các quan chức đã hứa sẽ cung cấp 3.300 ngôi nhà cho những người vô gia cư vào tháng 5 năm 2021, trong khi Venice đã đạt được một thỏa thuận cho phép sinh viên đại học thuê một số căn hộ du lịch.

Những nơi khác có một số kế hoạch đã được thực hiện. Vào tháng 6, hai khách sạn ở Vancouver với 173 phòng, đã được mua để làm nơi cư trú cho một số người dễ bị tổn thương nhất của thành phố. “Đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nhu cầu cấp thiết về nhà ở”, Thị trưởng thành phố Kennedy Stewart, tuyên bố. Nhiều tháng trước đó, thành phố San Jose của California cho biết họ sẽ đẩy nhanh kế hoạch trị giá 17 triệu đô la để xây dựng 500 ngôi nhà cho những người vô gia cư trong thời kỳ đại dịch.

Ở Barcelona, ​​vi rút đã thúc đẩy việc kiểm soát chặt chẽ đối với những ngôi nhà bị bỏ trống trong thời gian dài. Vào tháng 7, các quan chức đã gửi thư cảnh báo tới 14 ngân hàng và quỹ đầu tư có 194 ngôi nhà được cho là bị bỏ trống trong hai năm. Bức thư cảnh báo, nếu những ngôi nhà không được thuê trong vòng một tháng, thành phố sẽ chuyển nhượng chúng với giá bằng một nửa giá trị thị trường và biến chúng thành nhà ở xã hội. Lucía Martín, ủy viên nhà ở của thành phố cho biết: “Kế hoạch đã có sẵn, và Covid-19 càng khiến nó trở nên cần thiết hơn”.

Một số thành phố khác lại có kế hoạch thúc đẩy chủ nhà cho thuê dài hạn thay vì ngắn hạn. Amsterdam gần đây đã cấm cho thuê ngắn hạn ở khu phố cổ nằm tại trung tâm thành phố, và áp đặt các hạn chế đối với việc cho thuê ở các khu vực lân cận khác; trong khi các nhà lập pháp ở Cộng hòa Séc đã ban hành luật nhằm điều chỉnh tốt hơn các căn hộ du lịch. Vào tháng 9, Toronto bắt đầu yêu cầu các nhà điều hành cho thuê ngắn hạn phải đăng ký với thành phố, một động thái cho phép các quan chức thực thi luật hạn chế việc cho thuê ngắn hạn đối với các căn hộ mà người dân đang cư ngụ.

Leilani Farha, cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhà ở cho biết, vai trò quan trọng của nhà ở đã sớm được nâng cao trong đại dịch khi các chính phủ trên khắp thế giới bắt đầu phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của vi-rút. “Điều này không thể rõ ràng hơn. Bởi vì khi đối mặt với một loại vi-rút mới mà chúng ta chưa có thuốc hay phương pháp điều trị, sự bảo vệ duy nhất mà chúng ta có là ngôi nhà của mình".

Tuy nhiên, nhiều tháng sau, bà mô tả cách tiếp cận của các chính phủ là "chắp vá". Cuộc khủng hoảng nhà ở đã trở nên trầm trọng hơn ở những nơi như Mỹ, nơi hàng chục triệu người phải đối mặt với việc bị trục xuất; và Ấn Độ, nơi xuất hiện các báo cáo về việc cưỡng ép trục xuất trong các cộng đồng địa phương và các khu định cư không chính thức. Ngay cả khi đại dịch tiếp tục tàn phá sinh kế của người dân, nhiều chính phủ cũng chỉ miễn cưỡng mở rộng các biện pháp bảo vệ như cấm trục xuất và tịch thu nhà.

“Các chính phủ đã nhận ra vấn đề... Nhưng, điều tôi chưa thấy đủ là những thay đổi cần thiết mang tính cấu trúc”.

Đây chính là lỗ hổng mà Lisbon hy vọng sẽ tạo ra đột phá. Chương trình của thành phố đi kèm với một lời cảnh báo đối với các chủ nhà ở quận trung tâm lịch sử: sau khi hợp đồng với thành phố hết hạn, họ sẽ không thể quay lại cho thuê ngắn hạn.

Medina, Thị trưởng Lisbon nói: “Chương trình này sẽ thay đổi cách thức hoạt động của thị trường nhà ở trong thành phố. Chúng tôi đã phê duyệt ngân sách 4 triệu euro cho chương trình, cho phép 1.000 bất động sản tham gia, và chính quyền trung ương có thể tăng gấp đôi con số này nếu nhận được đủ sự quan tâm từ các chủ nhà”.

Cho đến nay, phản hồi về chương trình vẫn còn rất ít, chỉ có 177 chủ sở hữu bày tỏ sự quan tâm sau đợt kêu gọi đầu tiên. Medina nói: “Chúng ta phải chờ đợi, bởi các chủ nhà đang hy vọng rằng du lịch sẽ phục hồi. Thành phố đang kỳ vọng nhu cầu của họ sẽ tăng lên sau đợt kêu gọi thứ hai”.

Cuối cùng, Medina hy vọng sáng kiến ​​này sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa những người dân địa phương đang vật lộn với các mặt tiêu cực khi Lisbon trở thành một trong những thị trường bất động sản nóng nhất ở Tây Âu; còn một bên là ngành du lịch đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đổi mới đô thị và đưa thành phố thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

“Quá nhiều hay quá ít đều là một vấn đề,” ông nói. “Đây là bài toán về sự cân bằng. Có một ngôi nhà không thể là gánh nặng đến mức người dân phải làm hai đến ba công việc. Đó không phải là một cuộc sống mà mọi người mong muốn”.

Lam Vy (The Guardian)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.