17/06/2014 9:22 PM
Dự báo, năm 2015 cả nước sẽ phải sử dụng không dưới 30 tỷ viên và năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch QTC. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét phải tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than, đồng thời thải ra trên nửa triệu tấn CO2. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) với mục tiêu: Năm 2015 VLXKN chiếm tỷ lệ 20 - 25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020.

Tại nhiều Hội thảo về vật liệu xây không nung do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức đã bàn về những thách thức và giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ, sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng đã cho thấy rất rất nhiều hạn chế, trở ngại trong việc triển khai thực hiện để đạt mục tiêu này.

Có thể thấy rõ điều này, sau gần 4 năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN, đến nay hiện đã có 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt và hơn 100 cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu, đưa tổng số gạch không nung lên hơn 6 tỷ viên/năm. Về công suất, VLXKN đã chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số vật liệu xây.

Mặc dù Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo, quy định hướng dẫn thực hiện sản xuất và sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng nhưng đến nay, việc sử dụng vật liệu này còn rất hạn chế; xóa bỏ sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn của các huyện.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng VLXKN vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại ở Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng từ việc bất động sản đóng băng, kinh tế suy thoái những năm gần đây, đã làm cho ngành vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt với nó khiến tiêu thụ VLXKN càng trở nên ì trệ.

Mặt khác ngoài việc một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai Quyết định 567/QĐ/TTg xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, sử dụng gạch không nung trong xây dựng thì các chủ đầu tư, nhà thầu, người tiêu dùng xây dựng không có nhiều thông tin về sản phẩm này mặc dù đây là loại vật liệu rất thân thiện với môi trường.

Thêm vào đó, sử dụng vật liệu xây đất sét nung truyền thống đã ăn sâu vào quan niệm của họ, giá cả của vật liệu này lại rẻ hơn. Đó là nguyên nhân thứ hai khiến họ e ngại khi chọn lựa.


Công trình chung cư cao cấp sử dụng gạch không nung.

Một nguyên nhân quan trọng gây trở ngại đối với loại vật liệu không nung đến từ thiết kế và thi công. Về thiết kế, có thể dễ dàng nhận thấy các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại vật liệu không nung chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý.

Do đó, kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế xây dựng chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng VLXKN cho công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó, khi đưa vật liệu không nung vào các công trình thì e ngại phải thay đổi thiết kế. Ngoài ra, thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm mới này cũng là một rào cản không nhỏ đối với các đơn vị tư vấn.

Đối với thi công vật liệu xây không nung đòi hỏi kỹ năng xây tô, lắp đặt khác với truyền thống, nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công, sự cố kỹ thuật. Nhiều loại vật liệu mới chưa được ban hành hướng dẫn thi công và nghiệm thu đồng bộ cũng đã gây lúng túng, bất tiện cho nhà thi công.


Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất VLXKN.

Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến chính sách đó là chưa có nhiều khuyến khích mạnh mẽ từ phía Chính phủ dành cho các nhà đầu tư sản xuất và các công trình sử dụng vật liệu xây không nung. Chính sách hiện nay chỉ mới dừng ở việc bắt buộc sử dụng đối với các công trình từ 9 tầng trở lên.

Bên cạnh đó, khung chế tài cho việc thực thi chính sách khuyến khích vật liệu không nung chưa đủ mạnh để xử lý những công trình vi phạm. Các địa phương vẫn còn thiếu nguồn lực và kiến thức cần thiết để triển khai chương trình phát triển vật liệu không nung.

Theo các chuyên gia, để VLXKN sớm thay thế dần gạch đất sét nung, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất VLXKN.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã kiến nghị tăng thuế tài nguyên đất sét lên 15% (hiện nay là 7%) và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất VLXKN cần được ưu đãi như doanh nghiệp lập dự án đầu tư mới. Một điều quan trọng các chuyên gia nhấn mạnh, đó là phải nhanh chóng hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị đưa các loại sản phẩm này vào công trình.

Đặc biệt, nhà nước cần phải chung tay với DN giải quyết bài toán về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng VLXKN trong các công trình vốn nhà nước, khuyến khích và tuyên truyền cho người dân về loại vật liệu thân thiện môi trường này. Nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía Bộ, ban, ngành và các DN, thì mục tiêu 100% vật liệu không nung tại Việt Nam sau năm 2015 là rất khó khả thi.

Chủ đề: Gạch không nung
Phương Linh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.