Hình minh họa
Trong văn bản trình lên Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam (thuộc gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020), Ban Quản lý dự án 85 phản ánh về tình trạng chậm tiến độ do thiếu mặt bằng thi công tại nhiều địa phương.
Theo đó, Ban QLDA 85 được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.
Đơn vị đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiến hành cọc GPMB cắm ngoài thực địa sau đó bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho các địa phương. Ban QLDA 85 thường xuyên cắt cử cán bộ để phối hợp với địa phương thực hiện công tác GPMB.
Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện GPMB rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng cũng như tiến độ thi công gói thầu và của toàn dự án.
Đáng chú ý, nhiều hạng mục của dự án qua TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên đến nay vẫn chưa thể thi công do công tác GPMB vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Các dự án được nêu tên bao gồm: cầu đường sắt tại Km607 (Quảng Trị); đường gom đoạn Km775+538,5 - Km775+900 (TP. Đà Nẵng); công trình xây dựng ga mở mới Xuân Sơn Nam (Phú Yên).
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các hạng mục thuộc dự án và xử lý dứt điểm các điểm thắt về công tác GPMB tồn tại kéo dài trong thời gian qua có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Ban QLDA 85 đã kiến nghị Bộ GTVT đưa ra khỏi dự án các công trình chậm tiến độ.
Cụ thể, xem xét bàn giao cho địa phương thực hiện hạng mục đường gom đoạn Km775+538,5 - Km775+900 qua TP. Đà Nẵng do đến nay địa phương chưa xác định được mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các thủ tục bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Hạng mục cầu đường sắt tại Km607 và đoạn đường bộ kết nối (Quảng Trị) phải hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo tiến độ địa phương đã cam kết (tối đa 3 tháng kể từ thời điểm Ban QLDA 85 bàn giao cọc GPMB theo thiết kế điều chỉnh). Nếu không sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh mục đầu tư, bàn giao cho địa phương thực hiện.
Công trình xây dựng ga mở mới Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cũng nằm trong diện bị xem xét nếu không giải quyết các vướng mắc, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công trước ngày 30/10/2022.
Gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam gồm 4 dự án cấp bách.
Mục tiêu nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách từ 80-90 km/h, tàu hàng từ 50-60 km/h; từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng từ 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 1,5-1,6 lần.
-
Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD đến Cần Thơ
Sáng ngày 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
-
Chính thức trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao hơn 67,3 tỷ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chính thức được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, sáng 13/11. Tuyến đường sắt có tốc độ 350km/h, đi qua 20 tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 67,3 tỉ USD....
-
Đại biểu Quốc hội: Việt Nam phải nắm công nghệ làm đường sắt tốc độ cao để thoát “vòng lặp” đội vốn, chậm tiến độ
Theo đại biểu Quốc hội, để đảm bảo khả thi và tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất.