29/09/2010 1:27 PM
Sau hai năm chính thức xác lập sự hiện diện một cách đầy đủ tại thị trường phía Nam, Nhựa Tiền Phong dự kiến sẽ cắt lỗ sớm hơn kế hoạch dự tính.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (Bình Dương) - Ảnh: Minh Đức.

Gần 50 năm có mặt trên thị trường, nhưng phải đến tháng 12/2008 kế hoạch góp vốn lập công ty và xây dựng nhà máy tại phía Nam với thương hiệu Nhựa Tiền Phong mới chính thức hiện thực với nhà máy mới đi vào hoạt động.

Đó là một kế hoạch khá muộn. Tương tự, một thương hiệu ngành nhựa khác - Nhựa Bình Minh - cũng phải gần 30 năm mới từ Nam chính thức tiến ra Bắc bằng sự hiện diện một cách đầy đủ với công ty trực thuộc và nhà máy đặt tại Hưng Yên.

Một bước lỗ… khả quan

Đó cũng là những kế hoạch thận trọng. Bởi theo phân tích của doanh nghiệp trong ngành, cũng như trong mắt giới đầu tư, thị trường sản xuất nhựa, ống nhựa dùng trong xây dựng hiện cạnh tranh gay gắt khi có tới trên 2.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó đã có nhiều thương hiệu lớn và đã củng cố thị phần.

Riêng tại thị trường phía Nam, số doanh nghiệp trong ngành “đóng đô” tại đây đã chiếm khoảng 80% - một thách thức lớn đối với Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong trong kế hoạch “Nam tiến”.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Trường Sơn: tính đến cuối năm 2009, Nhựa Tiền Phong chiếm khoảng 65% thị phần tại thị trường miền Bắc, nhưng thị phần cả nước mới chỉ khoảng 24%; riêng tại thị trường phía Nam, thách thức lớn nhất cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Nhựa Bình Minh.

Thực tế, theo giải thích từ Nhựa Tiền Phong, ngay tại thị trường truyền thống là phía Bắc, những năm gần đây Công ty cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sự thâm nhập của nhiều đối thủ trong và ngoài nước. Đó cũng là một lý do để Công ty quyết định vào Nam, thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước của ngành nhựa, để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng chung, cũng như phủ thương hiệu cho chiến lược phát triển lâu dài.

Năm 2007, Nhựa Tiền Phong bắt đầu kế hoạch xâm nhập thị trường miền Nam. Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam được thành lập với 100 tỷ đồng vốn (đặt tại Bình Dương), Nhựa Tiền Phong nắm 51%. Tháng 12/2008, nhà máy tại đây chính thức đi vào hoạt động. Trước những khó khăn ở thị trường mới, sự thận trọng được cụ thể hóa ở dự tính lỗ trong 3 năm đầu.

Theo ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong phía Nam, đó thực sự là một kế hoạch khó khăn, bởi tại đây đã có quá nhiều “đại gia”, cạnh tranh là một áp lực lớn.

Thực tế, ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường, Nhựa Tiền Phong phía Nam lỗ 1,9 tỷ đồng. Và đến nay, Công ty vẫn chưa sử dụng quá nửa công suất thiết kế, vẫn chưa sản xuất hết các mẫu sản phẩm như công ty mẹ ở phía Bắc.

Về mức lỗ trong năm 2009, năm đầu tiên chính thức hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường, người trực tiếp điều hành Nhựa Tiền Phong tại phía Nam cũng lạc quan khi so sánh với đối thủ: Trong năm đầu tiên Nhựa Bình Minh ra Bắc, với khoản đầu tư lớn hơn, 150 tỷ đồng, mức lỗ là khoảng 14 tỷ đồng.

3 thuận lợi để sớm có lãi

6 tháng đầu năm 2010, Nhựa Tiền Phong phía Nam vẫn lỗ 1,32 tỷ đồng. Một thực tế hoạt động tại đây được lãnh đạo Công ty giải thích là do chu kỳ sản xuất, gần như 3 tháng đầu năm hiệu quả không cao. Nhưng kết quả này tiếp tục cho thấy một sự khởi đầu không đơn giản.

“Có mấy doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng một cơ ngơi như thế này, mới đi vào hoạt động mà có lãi ngay đâu. Nhưng đến năm nay chúng tôi sẽ cắt lỗ, mặc dù Hội đồng Quản trị cho phép lỗ trong 3 năm đầu. Hiện nay chúng tôi tự tin với kết quả đó. Và sang năm sẽ bắt đầu có lãi”, ông Dũng cho biết.

Thâm nhập thị trường lớn, áp lực lớn, nhưng theo phân tích của ông Dũng, Nhựa Tiền Phong phía Nam có những thuận lợi, cũng như cơ sở để lạc quan với kế hoạch bắt đầu có lãi ở năm tới.

Thứ nhất, Nhựa Tiền Phong là một doanh nghiệp có bề dày truyền thống trong ngành, là một thương hiệu lớn đã khẳng định giá trị. Đó là một thế mạnh, đặc biệt là từ sau chuyển đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, từ “đôi dép nhựa” sang các sản phẩm cấp thoát nước; từ đổi mới cơ cấu quản trị và mô hình hoạt động sau cổ phần hóa (năm 2004). Đơn vị ở phía Nam được thừa hưởng những giá trị này của công ty mẹ.

Thứ hai, với Nhựa Tiền Phong phía Nam, ông Dũng cho rằng một hậu thuẫn lớn là từ chính các nhà đầu tư, cổ đông.

Lãnh đạo này chia sẻ: “Một thuận lợi cho chúng tôi tại đây là các nhà đầu tư lớn đều tham gia vào Hội đồng Quản trị hay Ban điều hành. Cơ chế hoạt động theo đó nó minh bạch, không có những tiêu cực trong vấn đề quản lý hay vận hành. Điều này giúp một phần lớn trong việc hạn chế lỗ năm đầu tiên.

Và không những ở Tiền Phong ngoài Bắc, mà cả ở công ty mới, chúng tôi mạnh dạn đưa những cán bộ trẻ có năng lực tham gia công tác lãnh đạo, điều hành. Đây là quan điểm đúng đắn để phát huy sức mạnh, sự năng động của doanh nghiệp, nhất là trước một thị trường mới nhiều cạnh tranh”.

Và thứ ba, phân tích mà ông Dũng đưa ra là để thâm nhập và khẳng định chỗ đứng ở thị trường mới, yếu tố nền tảng là năng lực công nghệ và chiến lược sản phẩm hợp lý.

Nhựa Tiền Phong phía Nam có lợi thế ở các sản phẩm truyền thống và uy tín đã khẳng định từ công ty mẹ. Công nghệ và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, xây dựng mới. Và quan điểm được nhấn mạnh là: “Chúng tôi xem đầu tư cho công nghệ và nghiên cứu, phát triển sản phẩm là lực đẩy cho những bước đi vững chắc, chứ không chỉ là lợi nhuận trước mắt”.

Một dẫn chứng cho quan điểm trên, ông Dũng cho biết, năm 2010, Nhựa Tiền Phong đã đặt cọc gần 40 tỷ để mua 6 dây chuyền sản xuất ống PVC và PE-HD để tăng năng lực sản xuất, trong đó có dây chuyền sản xuất ống PE - HD với sản phẩm đường kính 1.200 mm hiện chưa có tại Việt Nam. Ngay trong tháng 10 này, Nhựa Tiền Phong sẽ nghiệm thu và chuyển giao công nghệ.

Đi trước về công nghệ và cung ứng sản phẩm mới cũng là một hướng để thương hiệu này cạnh tranh tại thị trường phía Nam. Trong kinh doanh, đi trước thường có được lợi thế.

Cafeland.vn - Theo Vneconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.