27/06/2016 2:15 PM
CafeLand – Trong số người mua nhà hiện nay có một lượng rất lớn là những người mua đi bán lại. Không ít người trong số này chính là những ‘‘cáo già’’ sành sỏi khi thị trường sôi nổi, kiếm lời nhanh chóng nhưng khi có biến cố xảy ra thì lập tức họ trở thành những con ‘‘nai vàng’’ ngơ ngác.

Những người mua nhà với mục đích mua đi bán lại rất sành sỏi trên thị trường bất động sản.

Khi có vụ tranh chấp, kiện tụng giữa người mua nhà và chủ đầu tư xảy ra, dư luận thường hay quy kết và đổ lỗi cho chủ đầu tư thiếu minh bạch thông tin, cơ quan quản lý không chặt chẽ. Tuy nhiên, người mua nhà cũng đóng vai trò không nhỏ dẫn đến những hệ lụy này.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, người mua nhà hiện nay rất thông minh. Nhà là một tài sản rất lớn, có khi là thành quả tích cóp cả một đời người nên sẽ không có chuyện mua bán như một món đồ ở siêu thị. Trước khi mua họ tìm hiểu rất kỹ thông tin về dự án, những người có nhu cầu mua ở thực thì chỉ khi nào dự án có đầy đủ tính pháp lý, đáng tin cậy họ mới xuống tiền đặt mua. Tuy nhiên, hiện nay có một số lượng rất lớn người mua nhà không quá chú trọng đến tính pháp lý, những dự án càng ít thông tin, thậm chí chưa đủ điều kiện mở bán càng hấp dẫn đối với họ. Những người này chính là nhóm đầu tư, đầu cơ mua lại để bán kiếm lời nhanh.

‘‘Tại sao hiện nay có rất nhiều dự án chưa công bố thông tin, thậm chí chưa có đủ điều kiện mở bán nhưng môi giới vẫn bán rất tốt. Nhiều dự án chỉ mới có tấm bảng quảng cáo, chưa đóng được cây cột nào cũng có người mua ầm ầm. Vì người mua họ thích mua những sản phẩm đó, những dự án càng ít thông tin thì càng thu hút, vì đây sẽ là dự án có lời nhiều’’, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa lấy ví dụ, một căn hộ có giá bán 5 tỷ thì tiền cọc mà họ phải đặt lúc đầu chỉ khoảng 300 triệu, đợi đến khi dự án hoàn thiện các thông tin pháp lý và mở bán thì mức giá không còn là 5 tỷ mà có thể sẽ lên cao, họ dễ dàng bán lại và thu lợi hàng trăm triệu đồng trong một thời gian ngắn. Hình thức này rất phổ biến khi thị trường phát triển nóng sốt.

Ngược lại nếu thị trường bất ngờ rơi vào khó khăn, thậm chí là đóng băng thì những khách hàng thông thái này bỗng trở nên ngơ ngác trong vai trò nạn nhân và vô tư đổ lỗi cho chủ đầu tư không minh bạch thông tin, cơ quan quản lý không chặt chẽ. ‘‘Thật ra tại thời điểm này họ còn rành hơn chúng ta nữa, nhưng mà họ không nói, tại vì sao, họ thấy mình lời nhưng khi mà có sự cố thì họ lại trở thành con nai vàng ngơ ngác nhưng thực ra họ đã là con cáo dẫm nát khu rừng’’.

Anh Hoàng, một nhân viên môi giới sàn giao dịch bất động sản tại Bình Thạnh cho biết, thông tin nắm vai trò rất lớn đến việc thu hút sự quan tâm của khách hàng. Một dự án trước khi công bố hay mở bán thì nhiều môi giới đã nắm thông tin và chạy truyền thông từ trước đó cả tháng. Và những người quan tâm nhất giai đoạn này chính là những khách hàng đầu tư, chứ người mua thực rất ít. ‘‘Những người này họ nắm bắt thông tin rất nhanh, họ có nhiều thông tin hơn cả môi giới, họ chỉ hỏi một vài thông tin về dự án và giá bán sau đó sẽ chủ động đề cập đến việc đặt cọc, thậm chí với số lượng khá lớn’’.

Ông Nghĩa cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang có những dấu hiệu lệch pha cung cầu về nguồn cung căn hộ. Số lượng dự án có giá vừa túi tiền, đúng với sức mua thực đang khan hiếm, trong khi các dự án cao cấp bùng nổ, đây chính là nguồn hàng mà người đầu tư, và đầu cơ hướng đến. Thành phần mua cũng có sự lệch pha khi người mua thực ít và người mua đầu cơ đang chiếm phần lớn, đây sẽ là nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Ông Châu nhận định, thị trường chỉ phát triển bền vững khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Tuy vậy, nguồn cung nhà ở thương mại giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn lại có hạn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản cao cấp lại đang có dấu hiệu phát triển nóng. Số lượng nhà kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) ở phân khúc này đã tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.