Hiện nay, trong các khu đô thị, khu nhà ở tại Hà Nội còn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra từ phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây.
Bất cập sau đầu tư
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai. Trong đó, khoảng 98 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khoảng 168 dự án chưa hoàn thành.
Các khu đô thị mới, khu nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố, giải quyết được phần lớn nhu cầu về nhà ở cho người dân Hà Nội.
Tuy vậy, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực. Nguyên nhân là phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác; hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng.
Việc chưa đồng bộ khớp nối đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra, như khu vực Lê Trọng Tấn, Hòa Lạc...
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật, gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiến nghị của người mua căn hộ lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số dự án khu đô thị, khu nhà ở thường được xây dựng kéo dài, chủ đầu tư ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở trước để kinh doanh. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xã hội thường được đầu tư xây dựng sau hoặc chuyển giao cho các đơn vị cấp 2.
Ngoài ra, một số dự án khu đô thị, khu nhà ở hệ thống hạ tầng xã hội được xã hội hóa về đầu tư (các trường học, công viên được giao cho các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng và khai thác). Việc xã hội hóa đầu tư với mục đích huy động tốt nguồn lực của xã hội, giảm nguồn vốn ngân sách Thành phố hiện còn khó khăn.
Tuy nhiên, do các công trình được đầu tư xây dựng chỉ để phục vụ cho một số đối tượng người dân nhất định, người dân thu nhập thấp thường không được hưởng lợi ích từ hệ thống hạ tầng xã hội này.
Đối với 168 dự án khu đô thị, khu nhà ở chưa hoàn thành (dự án đã được giao đất, đã GPMB đang triển khai đầu tư xây dựng), do chậm triển khai dẫn đến chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉ được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đã GPMB, chưa hoàn chỉnh chỉ kết nối một phần với hạ tầng chung của khu vực.
Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt.
Việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch.... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.
Đặc biệt, các ô đất xây dựng hạ tầng xã hội thường nằm trên phần diện tích đất chưa GPMB, chủ yếu chưa đầu tư xây dựng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội chậm triển khai, không kết nối đồng bộ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân đã chuyển đến sinh sống, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị thành phố.
Tăng cường giám sát
Giải trình tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố, hiện có những khu đô thị chưa đảm bảo kết nối, đồng bộ hạ tầng. Trong một thời gian dài, việc đánh giá đầu tư còn thiếu chặt chẽ.
Sở cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND Thành phố có chế tài xử phạt đối với những đơn vị mà nhà đầu tư không thực hiện những nội dung sau đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.
Song ông Tuấn cho rằng để làm được điều này cần sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương để đánh giá được hoạt động của dự án cũng như một số tồn tại, trên cơ sở đó có giải pháp tổ chức thực hiện.
Trả lời cử tri về phản ánh nhiều khu đô thị người dân đã vào ở đông đúc, nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đầu tư bãi đỗ xe chưa thực hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, thời gian qua, nhiều khu đô thị đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa làm thủ tục bàn giao cho thành phố, quận, huyện quản lý, nên chưa có đơn vị quản lý, trách nhiệm vẫn thuộc chủ đầu tư quản lý.
Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi các chủ đầu tư, đôn đốc sau khi hoàn thành các tuyến đường thì bàn giao cho thành phố quản lý, nhưng một số chủ đầu tư đưa ra các lý do, chưa bàn giao.
Liên quan đến tình trạng ngập nước cục bộ tại khu vực phía tây thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, vừa qua có những trận mưa lớn, vượt quá công suất thoát nước, dẫn đến ngập cục bộ.
Trong quy hoạch chung Thủ đô cũng có hệ thống hồ điều hòa, chiếm 5-7% diện tích, nhưng ở khu vực phía tây, các công viên, hồ điều hòa chưa xây dựng hết. Trong tương lai, các dự án xây dựng nhà ở phải đảm bảo có hệ thống cây xanh, hồ điều hòa, hệ thống kết nối... thì mới cấp phép.
Trước những vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng với mục tiêu năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội, người dân phải được tiếp cận các dịch vụ đó.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần báo cáo, giải trình đúng nội dung, đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình và thời gian khắc phục để đại biểu HĐND và cử tri theo dõi, giám sát.
-
Động thái mới của Hà Nội với các dự án có chủ đầu tư chây ì, kém năng lực
Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án của chủ đầu tư chây ì, năng lực kém để đấu thầu lựa chọn lại chủ đầu tư theo quy định.
-
Văn Phú - Invest muốn chuyển nhượng 30% vốn góp tại Hà Phú Riverland
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) vừa công bố Nghị quyết số 1401-03/TLNQ-HĐQT của HĐQT công ty về việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty thành viên.
-
Chủ tịch HĐQT FLC Faros xin từ nhiệm
Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), với lý do cá nhân, theo văn bản đề ngày 13/1.
-
Đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất tại Hà Nội
UBND TP. Hà Nội vừa Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội....