Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính có khoảng 15 khu nhà với một vạn dân. Mặc dù trước khi chuyển đến ở trong khu tái định cư (TĐC), các chủ đầu tư luôn hứa hẹn với người dân cơ sở hạ tầng đảm bảo nhưng khi xảy ra sự cố, người dân lại bị bỏ mặc.
Nhếch nhác tái định cư
Nhiều hố ga mất nắp

Không trường, không chợ…

Trong đơn gửi Báo ANTĐ, một số hộ dân sống tại khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính phản ánh, “chủ đầu tư sau khi xây dựng trường mẫu giáo và tiểu học tại đây xong đã thu phí tới 4 triệu đồng/tháng/cháu nên hầu hết người dân TĐC không có khả năng chi trả phải đem con đến gửi ở khu vực lân cận. Và trường học này nghiễm nhiên trở thành nơi dành cho con em những gia đình khá giả và học sinh nước ngoài.


Kéo theo đó, xe ô tô đưa đón học sinh thường xuyên dừng đỗ tràn lan tại đường nội bộ gây mất an toàn giao thông. Do mật độ dân số tại khu vực khá cao, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nên hầu hết các tuyến đường, chân các tòa nhà đã trở thành điểm trông giữ xe tự phát ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra.


Tại đây đã hình thành một chợ tạm nằm ngay trên đường nội bộ gây ô nhiễm môi trường, tạo ra cảnh tượng nhếch nhác và lộn xộn. Dân TĐC bị rơi vào tình trạng 4 không: không trường học, không trạm y tế, không chợ dân sinh, không nơi sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ có vậy, nhiều hạng mục trong các tòa nhà đã bị xuống cấp, bong tróc nham nhở nhưng không được sửa chữa. Tình trạng các hộ dân đua nhau xuống tầng 1, sân chơi chung bán hàng ăn rồi xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh nghiêm trọng. Hơn nữa, việc thiếu nhân viên bảo vệ, không có hệ thống camera, tường rào… cũng khiến tình hình ANTT tại khu vực rất đáng lo ngại”


Chật chội và xuống cấp

Nhếch nhác tái định cư
Hàng quán tràn lan

Có mặt tại khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính chiều 5-8, chúng tôi thông cảm phần nào với nỗi bức xúc của người dân đang sinh sống tại đây. Hầu hết các khu nhà đều xây sát đường, không tường bao, không người bảo vệ. Dân cư chủ yếu là dân lao động, không có công ăn việc làm ổn định nên phải làm thêm đủ thứ nghề kiếm sống. Họ đua nhau lấn chiếm vỉa hè, hành lang chung mở các dịch vụ như bán nước trà, cháo, phở, cắt tóc, làm đẹp, may quần áo, biến hành lang, khu vui chơi chung trở thành nơi nấu nướng, đặt bếp than tổ ong, nồi niêu, xoong chảo và xả rác.

Nhiều bãi rác, phế thải tự phát chất đống trên vỉa hè, cỏ dại mọc um tùm, cạnh đó là những hố ga mất nắp chẳng khác nào những cái bẫy. Trong toà nhà N4A-B nhiều đoạn hành lang đã bong tróc nham nhở từ lâu nhưng không được sửa chữa. Một số bể nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân có thành bể xây khá thấp với nắp đặt đã hoen gỉ, nứt toác nên khi trời có mưa, nước mưa, nước thải tràn cả vào bên trong bể nước gây ô nhiễm. Tại khu vực gần vườn hoa, một chợ "cóc" hình thành và hoạt động khá nhộn nhịp, kéo theo đó là rất nhiều quán "cóc", bán trà đá, bánh mỳ.

Về tình trạng trên, ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ & Khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội) cho biết: “Quỹ nhà TĐC tại khu Trung Hòa - Nhân Chính được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, phục vụ TĐC, giải phóng mặt bằng của UBND thành phố Hà Nội. Toàn bộ diện tích tầng 1 tại các tòa nhà là do thành phố quản lý. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa những hư hỏng ở bên trong các tòa nhà.

Còn về các điểm trông giữ xe tại khu vực này, hiện tầng trệt tại các khu chung cư vốn được thiết kế để trông giữ xe cho người dân sống tại đó đã trở nên quá tải. Có những hộ gia đình không chỉ có xe máy mà còn có vài ba chiếc ô tô. Do đó, họ đỗ xe ở mọi nơi có thể. Còn việc trường mầm non, trường tiểu học được xây dựng bằng vốn xã hội hóa là quyết định của cấp trên, chúng tôi không có quyền can thiệp. Cũng cần nói thêm rằng, một trong những nguyên nhân khiến khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính trở nên nhếch nhác và nhanh chóng xuống cấp cũng là do ý thức của người dân chưa cao, họ chưa tự giác chấp hành các quy định và bảo vệ tài sản chung”…

Để chấn chỉnh tình trạng này thì thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét toàn bộ chất lượng cũng như các vấn đề liên quan tại các khu TĐC, đưa ra hướng giải quyết dứt điểm, giải tỏa bức xúc trong nhân dân.
Theo Bảo Linh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.