Hàng nghìn tỉ đô la hỗ trợ được hứa hẹn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2007-2008).
Ở một số quốc gia, gói kích thích kinh tế đã được cam kết lên tới 20% GDP, nhưng các nhà kinh tế cho rằng sẽ cần nhiều hơn để hỗ trợ công nhân và các công ty bị tổn hại bởi đại dịch. Đồng thời, nguồn thu từ thuế sẽ giảm cùng với hoạt động kinh tế, khiến cho tình trạng thâm hụt ngân sách tồi tệ hơn.
Tình trạng thâm hụt ở nhiều nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 4-8% GDP trong năm nay, theo Vicky Redwood, cố vấn kinh tế cấp cao của Capital Econom. Mỹ, Canada, Ý và Pháp cũng nằm trong số những quốc gia chi tiêu lớn.
Redwood nói rằng thâm hụt ngân sách có thể sâu hơn nữa vì "các biện pháp của Chính phủ vẫn tăng lên từng ngày" và việc đóng cửa quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 có thể kéo dài hơn dự kiến.
Cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng các Chính phủ phải khấu hao, toàn bộ hoặc một phần, những mất mát trong thu nhập của khu vực tư nhân.
"Mức nợ công cao hơn sẽ trở thành một đặc tính dài hạn của các nền kinh tế", ông cho biết trên tờ Financial Times.
Mức nợ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II
Tại Mỹ, làn sóng kích thích chi tiêu có thể khiến nợ trong nền kinh tế tăng đến mức chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Quốc hội đã phê duyệt ba gói cứu trợ, gần đây nhất là gói trị giá 2.000 tỉ đô la, và có thể cần nhiều hơn nữa.
Chi tiêu tăng và cắt giảm thuế đã đẩy nợ của Chính phủ Mỹ lên tới 17.000 tỉ đô la, tăng gấp đôi tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này lên mức 80% kể từ năm 2008. Theo Commerzbank, các gói cứu trợ Covid-19 được phê duyệt cho đến nay sẽ đẩy con số đó lên 96% vào năm 2022.
"Nếu Quốc hội thông qua các gói cứu trợ tiếp theo, và nếu thiệt hại kinh tế lớn hơn mức dự kiến, thì kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1946 (106%) có thể bị vượt qua", Bernd Weidensteiner, một trong những nhà kinh tế của ngân hàng Đức, cho biết.
Các quốc gia khác đang gấp rút bảo đảm kinh phí cho các kế hoạch giải cứu đại dịch của họ. Anh dự định bán đấu giá 45 tỉ bảng Anh (56 tỉ USD) chỉ riêng trong tháng 4.
Giảm nợ
Thị trường tài chính nên nhanh chóng hấp thụ làn sóng nợ mới này, đặc biệt các ngân hàng trung ương đã cam kết mua lại một lượng lớn trái phiếu Chính phủ như một phần trong nỗ lực kích thích kinh tế của chính họ.
Các nhà kinh tế không lo lắng về những tác động ngắn hạn này. Chẳng hạn, viễn cảnh của lạm phát gia tăng do các làn sóng kích thích gây ra không đáng lo ngại vì nhu cầu của người tiêu dùng vẫn không thay đổi trong thời kỳ suy thoái, ngay cả khi lệnh đóng cửa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ.
Nhưng một khi khủng hoảng qua đi, khoản nợ tích lũy sẽ vẫn nằm trên bảng cân đối của Chính phủ. Một quốc gia càng có nhiều nợ, họ càng phải chi nhiều hơn để phục vụ khoản nợ đó, để lại ít tiền hơn cho những thứ khác. Lãi suất thấp đã giúp Chính phủ Mỹ giảm đi các chi phí, nhưng lãi suất có thể tăng trong tương lai.
Các quốc gia muốn giảm mức nợ của họ có thể sẽ phải làm như vậy trong nhiều thập kỷ. Tại Mỹ, mức nợ giảm nhanh chóng sau Thế chiến II vì nền kinh tế phát triển nhanh và thâm hụt hàng năm được giữ ở mức thấp. Lực lượng lao động ngày càng tăng cũng góp phần cho việc giảm nợ này.
Mỹ, cũng như các quốc gia khác như Ý, đang phải đối mặt với làn sóng dân số già đi. Chi tiêu của Chính phủ về chăm sóc sức khỏe sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Covid-19 có thể để lại những vết sẹo sâu trong nền kinh tế, sự tăng trưởng chậm chạp thậm chí có thể không quay trở lại trong nhiều năm.
Khó khăn phía trước
Các quốc gia có mức nợ tương tự như Mỹ nhưng triển vọng tăng trưởng hạn chế hơn sẽ có một thời gian khó khăn hơn, theo Redwood của Capital Economics.
Bà cho rằng những quốc gia đó có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu sau cuộc khủng hoảng để giảm thâm hụt. Một lựa chọn khác là cho phép lạm phát tăng lên. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng và giảm giá trị thực của nợ. Cách thức ba là vỡ nợ.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...