20/11/2013 2:42 PM
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng về gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng.

Hy vọng gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản dường như khó hiện thực, tính đến lúc này thưa ông?

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với người nghèo, người khó khăn, người thu nhập thấp không có khả năng tiếp cận với nhà ở thương mại, chứ không trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Muốn thị trường thoát khỏi khó khăn thì trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của DN đều phải vào cuộc. Việc DN thực hiện dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được miễn giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, không thu tiền sử dụng đất… có thể làm giảm đến 30% - 40% chi phí so với giá thị trường, sẽ giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua NƠXH tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những nơi đất có giá trị cao.

Các nước giàu, không khó khăn bất động sản thì họ cũng có gói tín dụng với lãi suất rất thấp cho người dân, làm thường xuyên chứ không phải để cứu thị trường bất động sản. Với chúng ta, hỗ trợ ở đây là chiến lược lâu dài, đất nước càng phát triển thì chúng ta càng tiếp tục hỗ trợ với các gói tín dụng lãi suất thấp hơn.

Về phía trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có thể giải thích tại sao giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng lại chậm trễ như vậy?

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, cả nước đang cần khoảng hơn 1 triệu căn hộ. Nhu cầu NƠXH là rất lớn, nhưng hiện nguồn cung cho phân khúc này rất ít. Lý do bởi chiến lược nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng mới được thực hiện. Trong khi, vốn ngân sách cho NƠXH rất khó khăn, việc huy động nguồn lực, hỗ trợ DN cũng cần những khoảng thời gian để xây dựng cơ chế, chính sách… Trong khi, thực tế không phải DN nào cũng thích làm NƠXH vì lợi nhuận từ kinh doanh mô hình nhà này thấp.

Một vấn đề khác, muốn có nhiều NƠXH thì phải làm nhiều dự án. Điểm này còn đang vướng mắc ở nhiều quy định về đất đai, đầu tư... Vì vậy, chiến lược phát triển NƠXH cần thực hiện dài hạn trong khoảng 10 năm, tầm nhìn 20 năm và còn lâu hơn nữa.

Ở các nước có thu nhập bình quân đầu người 50 nghìn USD/năm, họ vẫn phải làm NƠXH. Chúng ta mới có thu nhập hơn 1.000 USD/người/năm thì phải cố gắng rất nhiều. Ở đây có quyết tâm rất cao của Chính phủ, để người dân được cải thiện nhà ở, đặc biệt là những người thu nhập thấp.


Việc các DN được hưởng chính sách ưu đãi đã làm giảm giá bán NƠXH đến 40%

Nhưng, do giải ngân chậm, nhiều người nghĩ chúng ta đưa ra gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng để rồi làm khó người dân, thưa ông?

Để tiếp cận với gói 30 nghìn tỷ đồng này thì phải đúng đối tượng. Vì đây là gói hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo, có khó khăn về nhà ở. Nếu không rà soát đúng đối tượng thì dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, làm thất thoát nguồn lực Nhà nước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta làm chậm. Trách nhiệm này không chỉ Bộ Xây dựng, ngành Ngân hàng mà của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt các địa phương cũng phải vào cuộc để xác nhận cho người dân các tiêu chuẩn, để họ có đủ thủ tục giấy tờ…

Hiện có nhiều chủ đầu tư muốn chuyển dự án nhà ở thương mại sang NƠXH nhưng gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đã khảo sát, gỡ khó cho DN?

Bộ Xây dựng thường xuyên làm việc đó, đang làm và tiếp tục làm; vừa động viên các DN, vừa cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc để các dự án chuyển từ thương mại sang NƠXH một cách nhanh nhất. Bởi vì hiện nay, tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản là khắc phục lệch pha cung - cầu. Cho nên, chúng ta phải khắc phục bằng cách hướng thị trường vào chiến lược nhà ở, tạo mọi điều kiện để các chủ dự án nhà ở thương mại chuyển sang NƠXH... Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định về NƠXH. Nghị định này sẽ tạo sự thông thoáng cho các DN tham gia xây dựng NƠXH.

Xét về mặt kỹ thuật, liệu quan điểm phát triển NƠXH có tạo ra loại nhà tiêu chuẩn không như chúng ta mong muốn trong tương lai?

Không, NƠXH bây giờ khác hoàn toàn với NƠXH chúng ta vẫn nghĩ. Đây là loại nhà ở của thị trường phi hàng hóa. Tức là có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng lại được hỗ trợ của Nhà nước. Người dân tiếp cận mua nhà này thì được mua giá thấp hơn giá trị của nó ở thị trường. Nhưng nó cạnh tranh ở chỗ, nếu DN được giao đất làm NƠXH mà chất lượng kém thì sẽ không có người mua. Như vậy là DN cũng thất bại. Đến khu NƠXH Đặng Xá, chúng ta sẽ không thể phân biệt đâu là NƠXH với nhà ở thương mại.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Dương Công Chiến (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.