Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) được thành lập năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Đến năm 2011, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là NKG.
Hiện tại, Nam Kim đang có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, thép ống, thép cuộn và mua bán sắt thép các loại.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng doanh thu năm 2024 của Nam Kim sẽ đạt 21.527 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước; lợi nhuận đạt 525 tỷ đồng, tăng 348%. Biên lợi nhuận gộp cũng được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện, nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí sản xuất và mở rộng sản xuất tại nhà máy mới.
9 tháng đầu năm 2024, nhà sản xuất tôn mạ này ghi nhận doanh thu thuần 16.208 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng, tăng đến 296% nhờ sự gia tăng trong biên lợi nhuận gộp và giảm chi phí tài chính.
Điều này cho thấy Nam Kim không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn cải thiện được hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu đang chịu tác động từ nhiều yếu tố kinh tế.
Nhà máy Thép Nam Kim
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép toàn cầu trong năm 2024 đã có xu hướng giảm nhẹ, chủ yếu do nhu cầu giảm từ Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hơn 50% lượng thép toàn cầu.
Tuy nhiên, với những chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc, giá thép đã có dấu hiệu hồi phục và dự kiến sẽ ổn định từ cuối năm 2024.
Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất thép như Nam Kim khi nguồn cung và giá cả từ Trung Quốc ổn định, góp phần làm giảm sức ép cạnh tranh.
Trong nước, tiêu thụ thép thành phẩm trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 19,2 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Riêng sản phẩm tôn mạ kim loại và tôn mạ màu đã tăng trưởng mạnh, đạt mức tiêu thụ 3,6 triệu tấn, tăng 33,4%.
Điều này cho thấy thị trường thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định, đặc biệt là trong các phân khúc tôn mạ. Cùng với đó, thị trường chủ lực EU và Mỹ vốn chiếm đến 65% sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này được dự báo hồi phục tích cực.
Mirae Asset cho biết, Nam Kim hiện đang xây dựng nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng.
Theo dự kiến, nhà máy Nam Kim Phú Mỹ sẽ đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027. Sản phẩm mới tại nhà máy này sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim chủ yếu dùng trong xây dựng.
Dự án này hiện đã được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký đầu tư cấp lần đầu ngày 6/2/2024.
Với triển vọng tích cực từ các thị trường xuất khẩu chủ lực EU, Mỹ và tiềm năng từ nhà máy mới, Mirae Asset khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NKG của Nam Kim với giá mục tiêu là 23.700 đồng/cp cùng với mức tăng giá tiềm năng là 14,5%.
Ngoài ra, Nam Kim còn được hưởng lợi từ các chính sách của Bộ Công Thương trong việc điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Nam Kim, giúp nhà sản xuất này duy trì thị phần trong nước và gia tăng lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên 13/11, cổ phiếu NKG đang giao dịch ở mức 20.700 đồng/cp, giảm 16% so với đầu năm nay.
-
Nam Kim có động thái mới trong việc huy động vốn xây nhà máy 4.500 tỷ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Nam Kim lên kế hoạch triển khai đợt chào bán thêm 131,6 triệu cổ phiếu để huy động 1.580 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý 3 đến quý 4/2024.
-
Công ty thép doanh thu nghìn tỷ vừa chứng kiến điều chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây
Năm 2024, Gang thép Cao Bằng ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.188 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; công ty báo lỗ sau thuế hơn 150 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi hơn 1,6 tỷ đồng.
-
Hòa Phát, Nam Kim… và loạt doanh nghiệp thép mạnh tay đầu tư nhà máy mới để “đón sóng” thị trường bất động sản
Trong khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát sẽ bắt đầu chạy thử đầu quý 1/2025, nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng đang chuẩn bị nguồn vốn để xây thêm nhà máy mới, đón sóng phục hồi của thị trường....
-
Những khoản lãi ngành thép 2024 dần lộ diện, một hãng thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa báo lợi nhuận tăng hơn 1.100%
Doanh nghiệp này đánh giá thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.