Treo biển cho thuê gần cả năm nay nhưng nhiều mặt bằng vẫn ế khách. Những căn nhà mặt tiền giá thuê từ 100-150 triệu đồng/tháng vẫn chỉ giảm giá nhẹ, dù bỏ trống cả năm không có khách.

Trong năm 2020, TP Đà Nẵng trải qua 2 đợt dịch bệnh khiến tình hình cho thuê mặt bằng nhà phố rơi vào tình trạng khó khăn.

Là một trong những tuyến phố kinh doanh sầm uất tại TP Đà Nẵng nhưng đường Nguyễn Văn Linh hiện nay có rất nhiều mặt bằng để trống, đóng cửa im lìm. Dịch bệnh đã khiến tình hình kinh doanh giảm sút, nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống, thời trang, văn phòng, dịch vụ tại các vị trí đắc địa phải đóng cửa, trả mặt bằng.

Tình trạng mặt bằng ế ẩm cũng diễn ra tại các tuyến đường khác như Hoàng Diệu, Lê Đình Lý, Phan Châu Trinh…. Đáng nói, có những mặt bằng treo biển từ đầu năm đến nay vẫn chưa hạ biển xuống được vì chưa có khách thuê.

Nhiều mặt bằng trên nhiều tuyến phố bỏ trống nhiều tháng liền vẫn chưa tìm được khách thuê.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê đều đã giảm giá tiền thuê so với trước đây, song mức giảm không nhiều, chỉ khoảng 10-20% so với trước... Mặt bằng tại đây vẫn khó tìm được khách do giá cao. Hầu hết những mặt bằng chưa tìm được khách là những mặt bằng có diện tích rộng, thích hợp để mở văn phòng, trung tâm ngoại ngữ, thời trang… giá cho thuê dao động ở mức 100-150 triệu đồng/tháng.

Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Văn Linh (Hải Châu, Đà Nẵng) nhà 4 tầng diện tích 9x23m giá cho thuê 150 triệu đồng/tháng; nhà 5 tầng diện tích 200m2 giá 130 triệu đồng/tháng; nhà 2 tầng có diện tích 170m2, giá cho thuê 90 triệu đồng/tháng… Hay trên đường Lê Duẩn, nhà 3 tầng, diện tích 6x11m giá cho thuê 55 triệu đồng/tháng; Mặt bằng đường Quang Trung diện tích 200m2 giá cho thuê 40 triệu đồng/tháng.... Mức giá cho thuê này không thay đổi nhiều so với khi chưa có dịch bệnh xảy ra.

Liên hệ với một chủ mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Linh, chị H. cho biết, chị cho thuê nguyên căn 3 tầng, diện tích 211m2, giá cho thuê là 140 triệu đồng. Theo chị H., trước đây chị cho thuê làm trung tâm ngoại ngữ nhưng người thuê hết hợp đồng nên trả lại mặt bằng từ đầu năm. Giá cho thuê năm ngoái 160 triệu đồng/tháng nhưng nay do ảnh hưởng dịch bệnh, chị giảm giá còn 140 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng 5 năm, cọc 3 tháng tiền nhà, đóng tiền 3 tháng/lần. Mặc dù chưa tìm được khách thuê nhưng chị H. vẫn kiên quyết chốt giá cho thuê là 140 triệu đồng, không đàm phán, thương lượng.

"Mặt bằng này tôi đã cho thuê gần vài chục năm nay. Giá giảm như vậy là ưu đãi cho khách thuê rồi", chị H. nói.

Giá cho thuê mặt bằng chỉ giảm nhẹ, thậm chí không giảm trong khi tình hình kinh doanh khó khăn, ế ẩm các nhà đầu tư không dám liều để mở mặt bằng mới vì chi phí quá lớn khiến mặt bằng bị bỏ trống càng kéo dài. Nhất là thời điểm cuối năm, việc cho thuê mặt bằng sẽ càng khó khăn hơn.

Sau 3 tháng kinh doanh, chị Duyên, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê) mới đây đã rục rịch trả lại mặt bằng do tiền thuê chiếm quá lớn, trong khi khách thưa thớt. Chính vì thế, chị đã quay trở lại bán hàng online như trước.

Theo anh Nguyễn Quân, một môi giới bất động sản cho biết, trước đây, mặt bằng trên phố kinh doanh sầm uất rất ít khi phải treo biển, nhiều mặt bằng chưa hết hạn cho thuê đã có khách đến đặt trước. Còn hiện tại, có những mặt bằng để trống nhiều tháng liền vẫn không có khách. Chưa khi nào mặt bằng cho thuê lại khó tìm khách đến vậy. Thậm chí có nhiều chủ mặt bằng do quá ế ẩm đã nhờ rao bán nhưng tình hình khó khăn chung nên cũng rất khó tìm được khách.

Theo anh Quân, có nhiều nơi chấp nhận giảm giá mạnh nhưng có những chủ nhà vẫn đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục, nên nhất quyết không chịu giảm giá.

Theo báo cáo thị trường quý 3/2020 của CBRE Việt Nam, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng.

Còn theo đại diện Savills, số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ lấp đầy rất chậm. Xu hướng khách thuê giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế trong năm 2021 vẫn tiếp tục khó khăn, làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn, vì thế, mặt bằng nhà phố cho thuê sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Diệu Thuý (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.