Tăng dòng vốn đổ vào bất động sản là cách nhiều người giàu châu Á và các văn phòng gia đình đang sử dụng để giảm ảnh hưởng từ lạm phát lên khối tài sản mà họ sở hữu và quản lý.

Kwan Chi-Man, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Tập đoàn Văn phòng Gia đình Raffles (RFO) cho biết các văn phòng gia đình trong khu vực đã cảnh giác với việc lạm phát có thể gây rủi ro cho thị trường tài chính. RFO dự báo các chính phủ trong khu vực sẽ đối phó với lạm phát bằng cách siết chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Họ cũng lo ngại về các rủi ro địa chính trị.

Năm 2023, khi lạm phát trở thành mối lo ngại lớn hơn, các văn phòng gia đình đã có nhiều chiến lược đa dạng để thích ứng, bao gồm tăng mức độ tiếp xúc với bất động sản, cổ phiếu và hàng hóa, đồng thời rút ngắn thời hạn của danh mục đầu tư trái phiếu để giảm độ nhạy cảm với các biến động lãi suất bất lợi. Trong khi đó, các chiến lược như tăng vốn vào các loại chứng khoán có tác dụng chống lạm phát hoặc đa dạng hóa sang tiền điện tử đang ngày càng thiếu khả thi.

Khi các nguyên tắc cơ bản về kinh tế vĩ mô thay đổi do các tác động của đại dịch và lạm phát, các khoản đầu tư thay thế ngày càng được ưu tiên, bao gồm vốn cổ phần tư nhân từ các văn phòng gia đình khi những người giàu có muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Kwan đưa ra ví dụ về một gia đình giàu có thế hệ thứ ba, có nguồn gốc từ phát triển bất động sản, đã đầu tư vào một công ty sở hữu ý tưởng xây dựng các khu ẩm thực bền vững với kỳ vọng rằng sẽ tích hợp chúng vào danh mục bất động sản hiện có.

“Những khoản đầu tư này không chỉ mang lại lợi nhuận. Nó cho phép các gia đình giàu có tiếp cận với các mảng hoạt động khác nhau của một doanh nghiệp, cung cấp cho họ các công cụ hiệu quả để nâng cao năng suất cho toàn bộ danh mục đầu tư”, Kwan nói.

Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) hiện đang sở hữu nhiều tỷ phú nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng tài sản thuộc hàng đầu, dự kiến sẽ vượt qua châu Âu để trở thành khu vực giàu có thứ hai thế giới vào năm 2026.

Theo Knight Frank, mặc dù tốc độ tăng trưởng bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng vị thế là một trung tâm thịnh vượng của APAC sẽ được duy trì trong 5 năm tới, với số lượng tỷ phú tăng 36,7% so với mức trung bình toàn cầu là 33,7%. Đến năm 2025, hơn 1/3 tỷ phú thế giới sẽ đến từ APAC và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng lên.

New Zealand, Singapore và Trung Quốc là ba quốc gia trong khu vực sẽ chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ đáng kể số người siêu giàu, với tỷ lệ lần lượt là 270%, 268% và 256% vào năm 2026 so với một thập kỷ trước đó.

Đặc biệt, ngày càng nhiều văn phòng gia đình được thành lập tại Singapore, từ con số 50 vào năm 2018 đã tăng lên 700 vào năm 2021, phần lớn đến từ Trung Quốc đại lục. Nhiều chuyên gia dự báo số lượng văn phòng gia đình có thể đạt khoảng 1.500 vào cuối năm 2022.

Lam Vy (TEM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.