“Bẻ kèo” vào phút chót
Anh Nghĩa (TP.HCM) mua 2 lô đất có giá 3,3 tỉ đồng tại Đức Hòa (Long An) từ đầu năm 2021 với kỳ vọng sẽ chốt lời sau một năm, nhưng đến nay đã quá thời gian kỳ vọng anh vẫn chưa thể bán lại. Nhà đầu tư này cho biết, anh đang rao bán lại với giá 3,8 tỉ đồng, nhưng do ít có người hỏi trong khi nhu cầu về tiền mặt đang gấp nên anh chấp nhận thương lượng thêm. Nhiều người đồng ý giá sau khi thương lượng nhưng đến hẹn đặt cọc khách “bẻ kèo” không mua nữa. Hơn 2 tháng này, người hỏi vẫn có nhưng đất thì chưa thể bán được.
Tình cảnh như anh Nghĩa không phải hiếm gặp khi thị trường bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt sau một loạt chính sách kiểm soát, trong đó có việc một số ngân hàng có động thái siết vốn với bất động sản. Giới đầu tư bất động sản đa phần đều thiên về tâm lý thận trọng hơn là mạo hiểm.
Giao dịch chậm lại khiến không ít nhà đầu tư “đắng lòng” vì mua dễ, bán khó. Ảnh minh họa
Hơn 7 năm trong nghề môi giới bất động sản tự do, bà Lê Thị Hạnh cho hay trong khoảng hơn 3 tháng trở lại đây, các giao dịch của giới đầu tư nhỏ lẻ có phần giảm nhiệt.
Chẳng hạn như trong tháng 6, bà Hạnh dẫn gần chục vị khách đi xem đất ở các khu vực lân cận TP.HCM, tuy nhiên không có khách nào xuống tiền.
“Giá đất đã tăng khá mạnh từ năm 2021 đến nay, một số nhà đầu tư có nhu cầu bán để thu hồi vốn nhưng bên mua cũng khá chần chừ vì giá đã neo cao. Đa số những khách hàng tôi bị mất là vì bất động sản được giới thiệu cao hơn so với ngân sách an toàn mà họ có”, bà Hạnh nói.
Theo môi giới này, giao dịch nhà đất trong dân tại các khu vực cách thành phố 2-3 tiếng di chuyển chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư, rất ít khách mua với nhu cầu ở thực. Cũng chính thực tế này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng vì lo sợ có thể mắc kẹt.
Giá chững lại chứ không giảm
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng tổng hợp tại các địa phương cho thấy giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý 2 năm nay đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.
Các chuyên gia nhận định, dù thanh khoản thị trường có sụt giảm thì việc giảm giá nhà đất là khó xảy ra. Lý do bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Việc giảm giá khó xảy ra khi bên cạnh nhu cầu để ở, nhu cầu đầu tư dài hạn vẫn luôn hiện hữu.
Tại diễn đàn bất động sản 2022: “Những vùng đất tiềm năng” mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt nam, cho biết nguồn cung trên thị trường nhà đất vô cùng khan hiếm và sẽ tiếp tục khan hiếm trong những năm tới. Những chủ đầu tư có nguồn cung dồi dào mạnh dạn tăng giá bán và thị trường căn hộ thứ cấp cũng sẽ được thúc đẩy tăng mạnh.
Nhà đất tại cả 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM đều có mức tăng giá rất cao. Giai đoạn 2017 – 6 tháng 2022, giá bất động sản tăng bình quân 14%/năm, còn tại TPHCM là 21%/năm.
Trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng cao liên tục, tại Hà Nội mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 17%/năm cho sản phẩm biệt thự và 9% cho sản phẩm liên kề. Mức tăng có thể gấp đôi ở những dự án “hot”. Trong khi đó, tại TP.HCM, con số này là 19%.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, bất động sản được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, nguồn cung sẽ không nhiều với bối cảnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20-30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát.
Ông Khương cho biết thêm, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước (tăng một lúc từ 10-15%) mà giá sẽ tăng vài % hàng tháng. Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì bất động sản tăng giá từ 20-25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua.
“Từ đây đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với 6 tháng đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế, ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng”, ông Khương cho biết.
-
Mua bán nhà đất tại Lâm Đồng cần thận trọng trước các tin giả về ‘sốt đất’
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ nhằm đẩy giá lên cao, kích cầu thị trường trên mạng xã hội.
-
6 chiến lược đầu tư bất động sản kinh điển cho năm 2024
Bất động sản tiếp tục là một khoản đầu tư hữu ích trong năm 2024, có tiềm năng thu nhập thụ động và tăng giá lâu dài. Đây cũng là một cách thông minh để đa dạng hóa danh mục đầu tư bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ truyền thống....
-
4 dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng giao dịch bất động sản
Trong quá trình giao dịch, nhiều nhà đầu tư bất động sản mới rất ngại việc phải dừng một thỏa thuận mua bán. Dù đã phát hiện ra vấn đề, nhưng phần lớn trong số họ vẫn quyết định tiếp tục giao dịch với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”....
-
Căn hộ hàng hiệu hấp dẫn nhờ lợi suất và giá bán tăng
Lợi thế của các căn hộ hàng hiệu là giúp nhà đầu tư đạt mức lợi suất tốt hơn và giá trị chuyển nhượng cao hơn nhờ chất lượng và thương hiệu gắn liền với dự án.