Giả chữ ký lãnh đạo, trộm phôi sổ đỏ
Năm 2006, Hải lập DNTN Tấn Hải Đăng. Đến tháng 6-2010, Hải tiếp tục thành lập Công ty Tấn Hải Đăng, trụ sở cũng đặt tại thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, cùng ngành nghề mua bán gỗ, vật liệu xây dựng, xây dựng công trình; do Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010, Hải dùng pháp nhân của doanh nghiệp để vay vốn nhiều ngân hàng, tài sản thế chấp là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người thân trong gia đình và của Hải sang nhượng lại của người khác. Đầu năm 2010, việc kinh doanh bị thua lỗ, lãi suất ngân hàng tăng cao, Hải lại dùng tiền vay ngân hàng sang nhượng đất của nhiều hộ dân để làm Khu dân cư Tấn Hải Đăng. Do không đủ tiền đáo hạn ngân hàng nên Hải vay nóng bên ngoài và lún sâu vào khoản nợ nần không có khả năng chi trả.
Phôi sổ đỏ bị trộm
Hải liền câu kết với Giàu, Minh và Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lượm. Người ta thấy bộ tứ này rất thường xuyên đi nhậu chung. Khoảng tháng 6-2010, Hải tìm mua đất nông nghiệp của người dân tại các xã thuộc huyện An Minh với giá từ 25 - 30 triệu đồng/1.000m2 và từ 100 - 150 triệu đồng/1.000m2 đối với đất nông nghiệp tại thị trấn Thứ 11. Thủ tục chuyển nhượng hoàn tất, Hải đưa các sổ đỏ cho Giàu để điều chuyển từ đất lúa lên đất ở đô thị vào phía sau sổ đỏ, giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Lành - Phó giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ, đóng dấu của văn phòng vào rồi giao lại cho Hải. Đến ngày 23-5-2013, Hải đã mang sáu sổ đỏ này đến ABBank - Chi nhánh Kiên Giang và Chi nhánh Cần Thơ để vay 12,9 tỷ đồng. Thực ra, giá trị đất chỉ khoảng 2 tỷ đồng.
Đến tháng 4-2011, Hải nhờ Minh lấy trộm phôi gốc sổ đỏ. Sau đó Minh ghi, in khống số thửa, diện tích, mục đích sử dụng là đất ở đô thị và sơ đồ vị trí đất, rồi trực tiếp mang sang phòng làm việc cho Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lượm ký tên, đóng dấu. Để tránh sự phát hiện của lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện, trước khi trình hồ sơ vay vốn, Hải đề nghị Giàu xác nhận thế chấp khống vào các sổ đỏ khống theo yêu cầu của ngân hàng, rồi tiếp tục giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Lành. Bằng phương thức khá giản đơn này, Hải cùng Giàu, Minh đã làm ra 18 sổ đỏ khống để Hải đưa vào ngân hàng thế chấp vay 70,5 tỷ đồng, trong đó ABBank Kiên Giang 49,03 tỷ đồng; ABBank Cần Thơ 7,5 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Kiên Giang 10,969 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Kiên Giang 3 tỷ đồng.
Hải còn sang tên khống các sổ đỏ và giả chữ ký vào các hồ sơ vay vốn. Trong số 92 sổ đỏ mà Hải đưa vào ngân hàng thế chấp để vay tiền, nhiều sổ không phải của Hải mà là của người khác. Khi mượn sổ đỏ của người dân, Hải nói nếu y trực tiếp làm thủ tục vay, ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn. Vì đang có nhu cầu vay tiền lại tin tưởng Hải, nhiều người đã đưa sổ đỏ cho y rồi ký giấy ủy quyền. Khi vay được tiền, Hải chỉ giao lại cho các chủ sổ số tiền mà họ cần vay, khoản còn lại Hải chiếm đoạt. Có những trường hợp khi mượn được sổ đỏ, Hải “nhờ” Giàu chỉnh sang tên Hải rồi giả chữ ký lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ để Hải đưa vào ngân hàng thế chấp. Hải còn tự giả chữ ký của những người đứng tên trong sổ đỏ, để ký vào hồ sơ vay vốn.
Bằng các thủ đoạn trên, Hải và Giàu đã sang tên khống 15 sổ đỏ, Hải giả chữ ký 6 hồ sơ vay vốn. Thế chấp 21 sổ đỏ dạng này, Hải đã vay của các ngân hàng 9,388 tỷ đồng, trong đó ABBank Kiên Giang 5,038 tỷ đồng; SHB Kiên Giang 2 tỷ đồng; VietcomBank Kiên Giang 2 tỷ đồng và AgriBank An Minh 350 triệu đồng. Hải còn chiếm đoạt của ABBank Kiên Giang 260 triệu đồng, bằng cách thế chấp 4 sổ đỏ cũ sau khi đã sang nhượng cho người khác.
Phó chủ tịch ký giấy khống
Sổ đỏ khống Hải thế chấp ngân hàng vay hơn 90 tỷ đồng bị công an thu hồi
Từ tháng 5-2009, ông Lượm được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trước khi vụ án bị phát hiện, ông thường xuyên đi ăn nhậu rồi trở nên thân thiết với Hải. Chính từ mối quan hệ này, ông Lượm đã liên tiếp ký 16 sổ đỏ khống cho Hải.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang xác định, 16 sổ đỏ ông Lượm ký không có hồ sơ và cũng không vào sổ cấp sổ đỏ theo quy định. Khi trình sổ đỏ, phải kèm theo hồ sơ chứ không được trình giấy riêng và hồ sơ riêng; chỉ có Giám đốc hoặc Phó giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ mới được trình ký. Nếu cán bộ đi trình ký thì lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ phải gọi điện thoại, xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện trước. Về thẩm quyền ký sổ đỏ, việc cấp mới đối với đất ở đô thị thì thẩm quyền của UBND huyện ký cho cá nhân không quá 300m2. Trong khi đó, ông Lượm hào phóng ký 16 sổ đỏ cấp cho bạn nhậu Nguyễn Đông Hải với diện tích thấp nhất là 5.745m2, cao nhất là 40.440m2.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...