28/07/2014 7:50 AM
Chỉ tính trên địa bàn quận Cầu Giấy, có tới 27 tòa chung cư tái định cư cao tầng bị hỏng thang máy. Thế nhưng đơn vị quản lý lơ là trách nhiệm, để mặc người dân phải tự xoay xở, góp tiền sửa thang máy.

Cửa thang máy hỏng phải dán thông báo để tránh tai nạn đáng tiếc

Hỏng thì tự sửa

Tại quận Cầu Giấy, Khu tái định cư Nam Trung Yên có số tòa nhà có thang máy hỏng nhiều nhất, với 18 trường hợp. Tiếp đó, khu tái định cư 5,3 ha phường Dịch Vọng có 6 công trình bị hỏng thang máy; khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính (phường Nhân Chính) có 2 công trình và Khu đô thị Trung Yên có 1 công trình. Các tòa nhà này đều cao từ 12-18 tầng. Có 9 công trình do Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành. 18 công trình còn lại (chủ yếu thuộc Khu Nam Trung Yên) thuộc trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.

Có mặt trong danh sách “đen” nói trên, chung cư tái định cư 4F, Khu đô thị Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thuộc quản lý của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Tập, đại diện Ban quản trị chung cư này (Tổ trưởng tổ dân phố 70, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thang máy hỏng thường xuyên xảy ra nhưng chưa lần nào đơn vị chịu trách nhiệm đứng ra sửa chữa. Thang máy của tòa nhà đã hỏng tới 8 lần và vì không đợi nổi đơn vị quản lý, toàn bộ chi phí sửa chữa do người dân chi trả.

Người dân biết rõ, trách nhiệm quản lý, vận hành bảo trì và sửa chữa thang máy là của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội song mỗi lần báo thang máy hỏng, thủ tục để sửa chữa công ty đưa rất phức tạp, chưa kể giá thành quá cao. Vì thế, người dân tự gọi thợ vào sửa và tự thanh toán chi phí với rẻ hơn rất nhiều. Vì thang máy hỏng liên tục nên người dân vô cùng lo lắng, nhất là sau vụ tai nạn có liên quan tới thang máy hỏng gây chết người ở tòa N5A Trung Hòa, Nhân Chính. Theo tính toán của người dân, để sửa chữa dứt điểm thang máy, phải tốn tới 190 triệu đồng. Tuy nhiên, do người dân không đủ kinh phí, nên mỗi lần thang hỏng, đành khắc phục tạm để sử dụng với kinh phí khoảng 8 triệu đồng.

Lơ là trách nhiệm

Cũng liên tục bị hỏng thang máy mà không được sửa chữa kịp thời, nhiều tòa nhà ở Khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai) phải dán giấy cảnh báo lên cửa thang máy. Ông Trần Văn Sáu, Tổ trưởng tổ dân phố 30B (gồm 5 tòa nhà tái định cư khu Đồng Tàu) cho biết, ngày 1-7, tổ dân phố đã làm đơn kiến nghị lần hai (lần kiến nghị trước vào ngày 16-5) tới các cơ quan chức năng đề nghị sửa chữa, bảo trì hệ thống thang máy của các tòa nhà tại đây. Do các thang máy bị hỏng đều là thang chính, nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm.

Về giải pháp xử lý các thang máy nhà tái định cư bị hỏng trên địa bàn, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, bên cạnh việc khảo sát, thống kê đầy đủ danh sách các công trình có thang máy hỏng, UBND quận cũng đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo sửa chữa tất cả các thang máy bị hỏng. Đây là việc cần được làm ngay bởi nếu không cẩn thận, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vụ việc tai nạn chết người vừa xảy ra tại tòa chung cư N5A Trung Hòa, Nhân Chính là một ví dụ điển hình.

Sau khi sự việc xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn của thang máy nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó, trách nhiệm rà soát, đánh giá tình trạng an toàn của tất cả các thang máy trong các tòa nhà chung cư tái định cư được giao cho Sở Xây dựng Hà Nội. Dù vậy, sau gần 1 tháng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn chết người tại chung cư N5A Trung Hòa, Nhân Chính, chỉ riêng quận Cầu Giấy đã đưa ra danh sách “đen” 27 công trình cao tầng tái định cư đang bị hỏng thang máy, cần được sửa chữa. Toàn bộ 27 công trình này đều do những đơn vị thuộc TP Hà Nội quản lý, vận hành.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia xây dựng, thang máy hỏng hóc gây nguy hiểm chỉ là một phần trong những bức xúc đang tồn tại ở các tòa nhà tái định cư này. Tình trạng thiếu hạ tầng xã hội; chất lượng nhà thấp, nhanh xuống cấp, hư hỏng; quản lý, vận hành kém để xảy ra lộn xộn, mất mỹ quan đô thị trong khu nhà... đều diễn ra tại các khu tái định cư của Hà Nội. Pháp luật về thu hồi đất, GPMB đều nhấn mạnh người dân sẽ được di dời tới nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, nhưng xem ra, quy định nhân văn này còn lâu mới trở thành hiện thực.

Chính Trung (An ninh Thủ Đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.