Theo Economist, vấn đề mà các chính phủ phải đối phó là việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ những"bong bóng tài sản", như thị trường bất động sản Mỹ, lại đang tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các"bong bóng mới".
Chính sách tiền tệ nới lỏng ở đa số các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EU, không những làm cho các khoản lợi nhuận cao có được từ những tài sản rủi ro trở nên hấp dẫn hơn, mà còn làm cho chi phí tài chính để đầu tư vào các tài sản đó trở nên rất rẻ.
Mặc dù các thị trường đang nổi cũng nới lỏng đáng kể chính sách để đối phó với cuộc khủng hoảng, nhưng nhiều nền kinh tế này đã phục hồi mạnh mẽ và bắt đầu tăng lãi suất. Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ và EU vẫn ảm đạm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản như hiện nay trong khoảng thời gian dài hơn so với các thị trường đang nổi.
Trong khi đó, tính thanh khoản được giải phóng nhờ tăng lượng cung tiền và các hình thức kích thích tiền tệ khác ở các nước giàu, đang có những tác động mạnh. Theo Viện Tài chính quốc tế, dòng vốn tư nhân đổ vào các thị trường đang nổi trong năm 2010 sẽ tăng 42% (lên mức 825 tỷ USD).