Vài tháng trước, Wang Xuetao đã chi 800.000 USD cho một căn hộ nát đến nỗi những bức tường bê tông đều bong tróc nặng. Nếu mọi việc suôn sẻ, những đứa con của Wang sẽ chắc suất vào một trong những trường công lập danh giá nhất ở Bắc Kinh, con đường ở lại tầng lớp trung lưu. Nhưng điều này cũng có nghĩa, gia đình cô sẽ phải sống 7 năm trong một căn chung cư 71 m2, được xây dựng hơn 60 năm trước.
Bước tiếp theo Wang cần làm là mang thai. "Vị trí của căn hộ này có thể giúp con tôi được nhập học ở một trường tiểu học tốt", cô nói. Kế hoạch này được cô thiết kế trong nhiều năm vì số tiền 800.000 USD không hề dễ kiếm.
Wang Xuetao trong căn hộ đã được tân trang. Ảnh: Bloomberg.
Wang là một phần của xu hướng khiến giá nhà tăng vọt tại Trung Quốc và làm cơ quan quản lý lo ngại, phải tìm cách can thiệp. Trong khi hộ gia đình tại Mỹ tìm cách rời bỏ thành phố, tìm kiếm những căn nhà ở ngoại ô trong đại dịch, người Trung Quốc làm ngược lại. Họ đang trong cuộc đua săn lùng những căn hộ chật chội, cũ kỹ gần các trường công có chất lượng tốt.
Ở Mỹ, nhà ở gần các trường công lập tốt có giá cao hơn, nhưng phụ huynh có thể chọn cách thuê nhà. Còn tại Trung Quốc, để con cái được nhập học, nhiều trường yêu cầu bố mẹ phải sở hữu nhà gần đó nhiều năm về trước. Ví dụ như quận Xicheng nơi Wang sinh sống, thời gian được yêu cầu là ít nhất 6 năm.
Điều này khiến cuộc chạy đua trở nên khốc liệt. Khoảng 18 triệu trẻ em bước vào lớp Một mỗi năm và chỉ 20% trong số đó vào được đại học. Để đảm bảo con cái được học những trường tốt nhất, thường tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, những người như Wang đổ xô vào mua khiến giá nhà đô thị leo thang.
Khu phố nơi Wang ở trong thời gian tới. Ảnh: Bloomberg.
Nằm cạnh trường tiểu học Zhongguancun số 3, một trong năm trường hàng đầu của Bắc Kinh, khu dân cư Fengniao đã chứng kiến giá nhà tăng 31% so với một năm trước, theo dữ liệu của nền tảng bất động sản Anjuke.
Tại khu vực Yuetan (Bắc Kinh), gần một trường học top đầu khác, phụ huynh thường mua một căn hộ đắt hơn gần 60% so với căn hộ cũ của họ với diện tích nhỏ hơn 30%, theo KE Holdings.
Tình hình này còn căng thẳng hơn ở Thượng Hải. Urban Surveyors thống kê, giá nhà quanh các khu trường học nổi tiếng của thành phố đã tăng trung bình 20% trong năm vừa qua. Một căn hộ có 2 phòng ngủ hoàn toàn có thể được mua với giá lên đến 3,6 triệu USD, gấp đôi so với mức trung bình ở các thành phố như Kensington và Chelsea (Anh).
"Nhu cầu thực tế với loại nhà gần trường học rất cao và nó cũng có ý nghĩa như một khoản đầu tư", Chen Sheng, Chủ tịch viện Dữ liệu bất động sản Trung Quốc cho biết.
Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh hàng loạt chính sách để can thiệp. Đơn cử như yêu cầu người mua nhà phải có giấy phép cư trú đến thời gian đóng thuế tối thiểu ở địa phương là 5 năm mới đủ tiêu chuẩn được mua.
Ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 cũng lên tiếng về vấn đề này với cam kết sẽ giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
Gốc rễ của vấn đề không nằm ở thị trường bất động sản mà thuộc về cải cách giáo dục, theo Chen Jie, giáo sư tại Đại học Giao thông Thượng Hải. Đây là một thử nghiệm nhằm tạo ra cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho trẻ em thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Các chính sách mới này khiến cho những người làm cha mẹ như Molly Zhu lo ngại. Cô đã đổi một căn hộ lớn tại Thượng Hải sang một căn nhỏ hơn, trị giá hàng triệu USD vì cậu con trai 3 tuổi. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, thông tin cho thấy không có gì đảm bảo cho con cô chắc chắn được học tại các ngôi trường danh giá gần đó.
"Đây là lần đầu tiên cuộc đời tôi kịch tính hơn cả chương trình truyền hình", Zhu người từng là công chức, bỏ việc để kinh doanh nhằm trả nợ nhà nói. "Có vẻ tôi đang sống trong một thế giới mà các chính sách không bao giờ ngừng thay đổi".
Hoàn cảnh của Zhu cho thấy Chính phủ Trung Quốc cần duy trì yếu tố cân bằng như thế nào khi ra chính sách. Các nhà chức trách đang cố gắng điều chỉnh giảm giá bất động sản mà không dẫn đến các phản ứng dữ dội của người dân. Do thiếu các kên đầu tư, các gia đình Trung Quốc có khoảng 78% tài sản gắn liền với nhà đất, hơn gấp đôi so với Mỹ.
Còn hiện tại, Wang vẫn kiên định với kế hoạch đã đặt ra. Cô cũng đang sử dụng kinh nghiệm, vốn là một nhà thiết kế nội thất, để biến đổi căn hộ có tuổi đời gấp đôi mình.
-
Bất động sản tăng nóng, một ngọn núi ở Trung Quốc bị bê tông hóa
Các quan chức địa phương muốn phát triển kinh tế, và ở Trung Quốc, bất động sản là cách có lợi nhất. Do đó, nhiều người bỏ qua vấn đề về môi trường để xây dựng trái phép hàng loạt.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.