UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho Việt kiều và người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Vậy sau 5 năm thí điểm (từ năm 2008) cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN trong thời hạn 5 năm, quyết định này sẽ có tác động như thế nào tới thị trường BĐS cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào VN...

Hút đầu tư vào BĐS

Ông Rajeev Garg - Giám đốc điều hành Cty Net Vision Vietnam: Có thể coi đây là một nỗ lực rất lớn của Hà Nội để thu hút vốn FDI, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đây còn là một thông tin tốt để gia tăng sự thu hút, mua nhà tại Hà Nội, bởi hiện nay số lượng người VN đang định cư tại nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN muốn sở hữu nhà tương đối lớn. Khi những người này gia tăng mua bất động sản, chắc chắn sẽ đẩy mạnh giao dịch trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà cao cấp, giá cao... Bản thân vấn đề này đã được nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Singapore, Ấn Độ… thực hiện từ lâu. Theo đó, tất cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại các nước này đểu có thể sở hữu nhà cửa, đất đai giống như bất cứ người bản địa nào. Họ có thể mua nhà ở, hoặc mua nhà để đầu tư, kinh doanh… toàn bộ giấy tờ sở hữu đều mang tên người nước ngoài đó. Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một trong những cách rất tốt làm minh bạch thị trường, gia tăng đầu tư.

Có thể coi đây là một nỗ lực rất lớn của Hà Nội để thu hút vốn FDI, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước, bất động sản ở Hà nội hay TP HCM vẫn cao, cho dù giá hiện nay có thể đã tương đối thấp so với vài năm trước đây. Do vậy, nếu kì vọng sẽ có sự thay đổi ngay trên thị trường bất động sản là rất khó bởi tâm lý chờ đợi giá xuống nữa của người dân nói chung và những người nước ngoài sinh sống tại VN như chúng tôi. Bong bóng bất động sản chỉ tan khi bất động sản quay về với giá trị thực của nó.

Bản thân tôi và gia đình đã sinh sống và làm việc tại VN tới 15 năm nay, từ trước tới nay chúng tôi thường xuyên phải đi thuê nhà với giá khá cao. Cho dù có thể tôi muốn mua nhưng chưa được sự ủng hộ của pháp luật. Nay, với chính sách mới người nước ngoài được cấp sổ đỏ sở hữu tài sản đất đai, nhà cửa, có thể tôi sẽ phải tính tới phương án mua cho riêng mình một căn hộ, hoặc nhà ở Hà Nội để yên tâm làm việc.

Muộn còn hơn không

GS TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT, Chuyên gia đất đai: Có những quốc gia quy định rất chặt chẽ đối với tổ chức cá nhân nước ngoài, phải đủ điều kiện mới được mua và cấp sổ đỏ như: thời gian định cư, công việc...

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, VN đã cho phép người nước ngoài mua nhà và đến Luật nhà ở năm 2005 lại tiếp tục khẳng định vấn đề này trên diện rộng. Tuy nhiên, các địa phương lại không thực thi theo luật và mới đây UBND TP Hà Nội mới ra Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, đất ở cho người VN định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến đầu tư tại VN. Tôi cho rằng, giờ chúng ta mới làm là muộn nhưng muộn còn hơn không.

Quyết định này sẽ tạo ra độ tin cậy cao hơn vào thị trường, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà pháp luật VN quy định. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo cho giao dịch thị trường tốt hơn, khắc phục được những rủi ro khi đã bỏ tiền ra mua nhà, đất nhưng lại không được cấp giấy.

Thực tế, tùy vào từng quốc gia, có những quốc gia quy định rất chặt chẽ đối với tổ chức cá nhân nước ngoài, phải đủ điều kiện mới được mua và cấp sổ đỏ như: thời gian định cư, công việc... nhưng cũng có những nước lại áp dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, tôi cho rằng để thực hiện tốt được chính sách này thì vấn đề phải xuất phát từ chính các quận huyện, nghĩa là UBND TP Hà Nội cần phải có những giám sát chặt chẽ trong việc thực thi quyết định, tránh tình trạng cho phép người nước ngoài mua nhưng lại không cấp sổ đỏ cho họ, đánh mất niềm tin từ đối tượng này và đến lúc đó thị trường lại càng loạn hơn.

Thế nhưng, Luật thông thoáng không có nghĩa là chúng ta quá thả nổi mà cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và sát thực, để đến một lúc nào đó, khi thị trường phục hồi, người dân VN vẫn còn có cơ hội để sở hữu nhà. Đây là việc làm không chỉ của riêng UBND TP Hà Nội mà cần có sự chung tay góp sức của đông đảo các ban ngành thì mới mong quyết định đi đến hiệu quả cao nhất.

Bình đẳng là sự cải cách cơ bản

Chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi: Sẽ phải còn cải tiến, cởi mở và thay đổi nhiều hơn nữa, từ cả tâm lý ứng xử lẫn chính sách đối với người nước ngoài.

Thực tế, ở VN cũng đã thực thi chính sách này một cách gián tiếp từ lâu, kể từ khi nền kinh tế mở cửa thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Có thể lấy ví dụ để hiểu vấn đề này đơn giản như sau: Một nhà đầu tư nước ngoài, ông David John chẳng hạn, được quyền mua 49% cổ phần tại một Tập đoàn kinh doanh có các tài sản địa ốc. Đương nhiên, ông David John cũng đã gián tiếp sở hữu các tài sản địa ốc được cấp sổ đỏ của tập đoàn đó. Vậy tại sao chúng ta lại quan ngại (và quá quan trọng) chuyện cấp sổ đỏ nhà ở, đất đai cho cá nhân người nước ngoài? Trong khi sau khi được cấp sổ đỏ, các cá nhân người nước ngoài cũng đâu thể mang tài sản chủ quyền của mình đi qua đất nước khác, nếu họ không bán lại tài sản?

Dù vậy, chính sách được ban hành xét trên bình diện thương mại, ít nhất cũng cho thấy một sự cởi mở và thay đổi tích cực từ các nhà quản lý. Nhưng sâu xa đối với nền kinh tế, để nó có một ý nghĩa thật sự, hiệu ứng thật sự, có lẽ sẽ phải còn cải tiến, cởi mở và thay đổi nhiều hơn nữa, từ cả tâm lý ứng xử lẫn chính sách đối với người nước ngoài. Cách đây chưa lâu và có lẽ còn cả hiện nay, người Việt ta, bao gồm các cơ quan công quyền, vẫn có tâm lý sử dụng “chính sách hai giá” đối với người nước ngoài trong các hoạt động giao thương, dịch vụ. Các thủ tục hành chính đối với người nước ngoài tại VN cũng phiền hà, phức tạp và rối rắm hơn (có phải chỉ vì bất đồng ngôn ngữ?). Do đó, một sự bình đẳng tương đối trong mọi chính sách giữa người VN và người nước ngoài, không loại trừ sự bình đẳng trên thị trường địa ốc, mới thực sự là cải cách cơ bản để thu hút người nước ngoài tham gia đầu tư sâu trong nền kinh tế nói chung, và gia tăng nhu cầu đầu tư, sở hữu địa ốc nói riêng.

Lành mạnh thị trường BĐS

Ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN – MT: Chính sách này sẽ không bóp méo thị trường BĐS như việc sử dụng đến các gói cứu trợ từ Chính phủ.

Hiện nay, theo quy định, người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại VN chỉ mới dừng ở mức thí điểm, trong đó cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm (từ năm 2008) đến nay chính sách này đã bộc lộ rõ những hạn chế mà điển hình là việc bó hẹp đối tượng được mua nhà, thủ tục rườm rà và chỉ được mua nhà để ở. Theo thống kê của Cục Đăng ký và thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại VN. Trong đó, có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại VN. Đây là một con số khiêm tốn trong tổng số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN. Vì thế, việc Hà Nội triển khai Quyết định 13/2013/QĐ-UBND là cần thiết và kịp thời.

Trên thực tế, những dự án cao cấp, hay biệt thự liền kề ở những khu đất vàng thực sự hấp dẫn đối với người nước ngoài. Đây là một nguồn lực tài chính đầy tiềm năng, có thể góp phần “giải cứu” thị trường đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, chính sách này sẽ không bóp méo thị trường như việc sử dụng đến các gói cứu trợ từ Chính phủ.

Tôi cho rằng, văn phòng đất đai thành phố Hà Nội cũng cần phải nhận thức rất rõ ràng và quán triệt tới từng cán bộ, viên chức về công tác tiếp dân, trả lời dân và giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong đó có cả các tổ chức theo tinh thần nhanh gọn, không rườm rà, tạo mọi điều kiện cho dân chỉ đến nộp hồ sơ 1 lần và đến nhận kết quả lần cuối cùng, không phải đi lại nhiều.

Luật thông thoáng không có nghĩa là chúng ta quá thả nổi mà cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và sát thực.

T.Anh, L.Mỹ, M.Thanh (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.