Cử tri mong sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đặc biệt, cử tri mong muốn Thanh tra Chính phủ, chính quyền TPHCM sớm tổ chức đối thoại và phải có "trọng tài".

Ngày 23/6, tổ đại biểu Quốc hội TPHCM khoá XIV đơn vị số 7 và các đại biểu HĐND TPHCM khoá IX tiếp xúc với cử tri quận 2. Một lần nữa, vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm được cử tri "hâm nóng".

Đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến cử tri về Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Cử tri Trần Thị Mỹ (79 tuổi) cho rằng việc khắc phục hậu quả Thủ Thiêm vẫn đang làm theo quy trình ngược. Người dân quan tâm 3 nội dung là khiếu nại tại 5 khu phố thuộc 3 phường, 160 ha tái định cư và vấn đề pháp lý.

Tuy nhiên, các cấp vẫn chưa tổ chức đối thoại để làm rõ mọi vấn đề. Đáng lẽ phải giải quyết vấn đề 115 người dân khiếu nại mấy chục năm nhưng lại đi giải quyết ở khu 4,3 ha được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong khi đó, các cử tri: Nguyễn Tấn Cứu, Nguyễn Tiến Hịch, Cao Thanh Ca thì cho rằng, giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn quá chậm nên cần phải giám sát thúc đẩy, dứt điểm để bà con an tâm.

Cử tri quận 2 gửi ý kiến đến Đại biểu Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến khiếu nại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

"Bao nhiêu năm nay rồi, Trung ương rồi địa phương hứa tổ chức đối thoại nhưng không tổ chức. Chúng tôi mong sớm có đối thoại để tìm ra hướng đi, ai sai ai đúng để giải quyết, đem lại công bằng cho người dân", cử tri Nguyễn Tấn Cứu nói.

"Trong đối thoại với người dân sắp tới, ngoài các bộ ngành có liên quan cần có "trọng tài" là Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ. Các bộ này sẽ thẩm định văn bản nào sai, sai thì mạnh dạn sửa. Cái nào đã qua có thể cho qua, chấp nhận đau thương. Bà con đồng ý, đồng thuận nhưng sửa chữa phải hợp tình, hợp lý", cử tri Đào Thị Bé kiến nghị.

Trả lời ý kiến cử tri về Thủ Thiêm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho biết tổ đại biểu tiếp nhận và chuyển tải đầy đủ đến các cuộc họp Quốc hội, các cơ quan chuyên môn.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê nhận đơn phản ánh của người dân Thủ Thiêm

Theo ông Khuê, 2 năm gần đây, chính quyền TPHCM đã thực sự vào cuộc, hình thành các tổ công tác lắng nghe ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, có thể phương pháp thực hiện hoặc một số cách tiếp cận chưa thực tế với người dân.

"TPHCM không để cái sai này dẫn đến cái sai khác, các cấp chính quyền không né tránh mà luôn lắng nghe", ông Khuê nói.

Đáng chú ý, ông Khuê cho biết, trong tháng 7 tới, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện việc đối thoại với người dân Thủ Thiêm về vấn đề trong ranh, ngoài ranh.

Nhiều người dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường (phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh) khiếu nại nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 nên chưa thực hiện tiếp xúc được theo yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

“Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 việc đối thoại với người dân 5 khu phố 3 phường sẽ được tổ chức”, ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch UBND Quận 2 - thông tin tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 11/5.

Trước đó, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng TPHCM đối thoại và công bố với người dân trước Tết Nguyên đán về khiếu nại của người dân ở 5 khu phố.

Tuy nhiên, sau đó buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm được cơ quan chức năng thống nhất tổ chức vào giữa tháng 2. Việc lùi thời gian đối thoại là để các cơ quan, đơn vị tập trung tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán.

Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM thống nhất tạm thời chưa tổ chức cuộc tiếp xúc đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với các hộ dân thuộc 5 khu phố trên địa bàn 3 phường.

 Quốc Anh (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.