USD, EUR cùng nhiều loại ngoại tệ khác vẫn trên đà giảm giá mạnh. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vào thị trường châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoại tệ giảm giá, xuất khẩu lo
Giá bán còn 18.990 đồng/USD

Ngày 10.6, giá USD của các ngân hàng (NH) tiếp tục giảm 10 đồng/USD. Tại Vietcombank chi nhánh TPHCM, Eximbank, ACB... giá bán USD rời khỏi mức 19.000 đồng/USD, xuống còn 18.990 đồng/USD; trong khi đó giá mua USD ở mức khá thấp, từ 18.920 - 18.950 đồng/USD. Giá USD giao dịch của các NH với nhau ở mức 18.970 - 18.980 đồng/USD. Ở thị trường tự do, giá mua USD là 18.970 đồng/USD, bán 19.000 đồng/USD.

Sau đà trượt giảm mạnh, giá các loại ngoại tệ khác tăng trở lại trong ngày 10.6. Giá EUR lên lại 22.900 đồng/EUR (tăng 97 đồng so với ngày 9.6); đô la Úc lên 15.939 đồng/đô la (tăng 240 đồng); đô la New Zealand: 12.946 đồng/đô la (tăng 249 đồng)... Tuy nhiên so với cuối năm 2009, giá các loại ngoại tệ hiện nay đã giảm khá mạnh (cuối tháng 11.2009, giá EUR là 29.300 đồng/EUR; đô la Úc 18.000 đồng/đô la...).

Theo tổng giám đốc một NH cổ phần, giá USD trên thị trường đang tiếp tục giảm nhẹ nhờ nguồn ngoại tệ khá dồi dào thu từ xuất khẩu vàng. Các NH không những đủ nguồn ngoại tệ bán cho DN, cá nhân mà còn dư thừa để bán lại cho NHNN.

Các DN xuất nhập khẩu thì vẫn chủ yếu thanh toán bằng USD (chiếm 90%) nên việc giá các ngoại tệ khác giảm mạnh không giúp họ hưởng lợi gì nhiều. Những người được lợi nhiều nhất từ việc nhiều loại ngoại tệ giảm giá là các gia đình có con em đi du học, du lịch và khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Anh Trần (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có con đi du học tại Úc cho biết cuối năm 2009, gia đình mua đô la Úc với giá 18.000 đồng/đô la, vừa rồi nhờ giá đô la Úc xuống 15.600 đồng/đô la đúng lúc anh cần chuyển 10.000 đô la Úc để thanh toán tiền học phí, sinh hoạt phí cho con. Tính ra đã tiết kiệm được vài chục triệu đồng.

Áo sơ mi xuất khẩu bị thiệt 0,5 - 0,75 EUR/chiếc

Theo dự báo của các chuyên gia nước ngoài, tỷ giá USD/EUR sẽ còn tiếp tục giảm mạnh vào cuối năm nay khi tình hình nợ nần của các nước thuộc khu vực châu Âu vẫn không khả quan hơn. Hiện nay tỷ giá USD/EUR là 1,2, dự báo đến cuối năm về khoảng 1,06. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho rằng, việc DN quyết định có chọn đồng EUR trong thanh toán hay không còn phụ thuộc vào mức độ dự báo về biến động giá của đồng tiền này. Thường thì các hợp đồng của DN trong nước và nước ngoài có thời hạn thanh toán là 3 tháng sau. Đây là khoảng thời gian khá dài nên rất khó dự báo được tình hình sẽ chuyển biến như thế nào. Trong khi đó đồng USD được kiểm soát và có biến động ổn định hơn nên dù sao chọn USD trong thanh toán vẫn an toàn.

Báo cáo gần đây của Công ty CP chứng khoán NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank - SBS) có đưa ra nhận định, đồng EUR yếu trong thời gian qua ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của VN sang châu Âu. Nếu sự mất giá của đồng EUR tiếp tục, các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ muốn một sự thỏa thuận mới về giá theo hướng bất lợi cho VN. Sacombank - SBS cho rằng: “Cần có những giải pháp thích hợp để chống đỡ những khó khăn đến từ châu Âu và hỗ trợ xuất khẩu”.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 7,1 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2009. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực xuất sang thị trường châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị sụt giảm cả về giá trị và số lượng, bởi sự mất giá của đồng EUR (khoảng 15% kể từ đầu năm). Lượng cầu sụt giảm, các đối tác đòi đàm phán lại giá ở mức thấp hơn, nhiều đơn hàng không xuất được, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, tỷ giá EUR/USD giảm nên mỗi chiếc áo sơ mi xuất khẩu trị giá 5 EUR, DN sẽ bị thiệt 0,5 - 0,75 EUR. Ông Kiệt cho rằng, các hợp đồng đã ký với khách hàng thì tình hình càng khó khăn hơn, DN buộc phải chấp nhận lỗ nếu không thương thảo được với đối tác.

Với những hợp đồng chào mới sẽ phải tính giá lại so với trước đây, nhưng đáng nói là một số DN nhỏ thế yếu có thể phải chấp nhận lỗ. Hiện một số DN đã phải bỏ đơn hàng xuất sang châu Âu. DN cũng có thể chuyển hướng sang thị trường Mỹ, nhưng ông Kiệt cho biết, đây không phải giải pháp hay, và việc chuyển hướng còn tùy thuộc mối quan hệ của từng DN, nếu mối quan hệ làm ăn lâu dài thì phải chấp nhận chia sẻ.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết đồng EUR giảm giá, người tiêu dùng châu Âu phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày... Hiện tại, sức mua thị trường này đang yếu đi. Đây là một khó khăn mới phát sinh. Ông Phương dự báo, trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, nhưng chưa thực sự bế tắc. Theo ông Phương, sự cố tràn dầu bên Mỹ đẩy giá các mặt hàng thủy sản tăng cao, đặc biệt giá tôm, và đây là cơ hội các DN cần tận dụng.

“Trước mắt, DN tìm hiểu tình hình cụ thể của từng nước, thông qua khách hàng nắm thêm thị hiếu, đàm phán để cân đối lại mức giá hợp lý. Ngoài ra, khi giá cao, các đối tác sẽ lựa chọn mặt hàng phù hợp với túi tiền, vì vậy tùy theo mặt hàng phải tính lại”, ông Phương khuyến cáo.

Cafeland.vn
theo Thanh Niên

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland