21/04/2011 4:41 AM
Nghị định số 69/NĐ-CP của Chính phủ được xem là giải pháp khá toàn diện nhằm tháo gỡ căn bản những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dù đã đi vào cuộc sống nhưng chính sách này còn bộc lộ nhiều điểm bất cập...

3 mặt lợi ích

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, sau hơn 1 năm thực hiện, kết quả nổi bật của Nghị định 69 là việc giải quyết hài hòa được cả 3 lợi ích của người dân, của Nhà nước và nhà đầu tư.

Cụ thể như đối với hộ nghèo, hộ có ít đất ở, đất nông nghiệp thì với chính sách bồi thường mới đã tăng mức hỗ trợ đất vườn, đất ao, tăng mức hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Đối với doanh nghiệp đầu tư cũng được hưởng lợi nhiều khi thực hiện Nghị định này, đơn cử như được bổ sung trừ tiền khoản kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, thủ tục hành chính về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, tái định cư… được rút ngắn thời gian và đơn giản hơn do được lồng ghép thủ tục về đất đai với thủ tục về đầu tư xây dựng,…

Về phía Nhà nước, Nghị định 69 đã đưa ra các biện pháp đảm bảo cho địa phương thực hiện tốt việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phân định tách bạch, rõ ràng giữa bồi thường và hỗ trợ, xác định rõ nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước chi trả, đa dạng hóa các hình thức bồi thường, hỗ trợ…

Cụ thể năm 2010, hàng loạt công trình hạ tầng, đất nông nghiệp đã giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài qua nhiều năm như nhà ga T2 Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân, đường ôto cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủy điện Sơn La, Khu kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa,…

Mặt khác, Nghị định đã tạo sự thay đổi lớn trong cải cách thủ tục hành chính, lồng ghép được các thủ tục trong thu hồi, giao, cho thuê đất với thủ tục lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, với thủ tục phê duyệt dự án đầu tư. Do đó so với trước đây đã rút ngắn thời gian khoảng từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện thủ tục.

Ngoài ra, nằm trong trong những mục tiêu mà Nghị định 69 hướng tới là tăng cường công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất, tăng nguồn thu cho Ngân sách và sử dụng số tiền này để hỗ trợ cho người dân, nên việc tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức đấu giá cần được đẩy mạnh theo hướng khuyến khích xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, tháo gỡ vướng mắc về định giá đang gây bức xúc ở một số địa phương.

alt

Việc đưa ra giá thị trường không cụ thể đã dẫn đến sự lệch pha trong cách hiểu của nhiều người. Ảnh: Nguồn internet

Tồn tại nhiều bất cập

Với những thay đổi tích cực về các quy trình thủ tục ở các khâu từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư,… Nghị định 69/2009/NĐ-CP đã giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, xung quanh việc áp dụng các quy định của Nghị định này vào cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực, thường thì giá đền bù cao có lợi cho dân, người dân sẽ hợp tác tốt hơn trong công tác đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, các văn bản hiện tại quy định giá đền bù được tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực. Điều này kéo theo rất nhiều vấn đề nan giải. Những hộ dân chấp hành nghiêm quy định của nhà nước, tích cực bàn giao mặt bằng sớm thì nhận mức giá đền bù thấp, còn hộ nào chây ỳ cố tình không bàn giao mặt bằng lại nghiễm nhiên đến thời điểm này được nhận mức giá cao.

Th eo Sở Xây dựng Tp.HCM, đến cuối tháng 3/2011, vẫn còn 46 dự án nhà ở đã hoàn thành thủ tục giao đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất do chờ xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường.

Nguyên nhân bởi những vướng mắc từ Nghị định 69/2009/NĐ-CP chưa được tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp sau khi thương lượng giá đền bù với dân hoặc bồi thường giải tỏa theo sát giá thị trường, còn phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Tuy nhiên giá thị trường là giá như thế nào thì vẫn chưa xác định.

Theo Nghị định này, doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất theo giá trị trường đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải mua đất 2 lần. Lần 1, chủ đầu tư mua đất của người có quyền sử dụng theo giá thỏa thuận. Lần 2, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường.

Trong buổi tọa đàm “Chính sách tín dụng và thị trường bất động sản năm 2011” vào đầu tháng 3 vừa qua, Ông Lê Chí Hiếu – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cho rằng việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường đã tạo ra nhiều bất cập và không cụ thể. Nhiều doanh nghiệp phải “gồng gánh” mức giá quá cao khi thực hiện Nghị định này.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc đưa ra giá thị trường không cụ thể (thị trường đầu vào hay thị trường đầu ra của doanh nghiệp, đất ở hay đất nông nghiệp) đã dẫn đến sự lệch pha trong cách hiểu về giá thị trường của quyền sử dụng đất theo cách có lợi cho mình. Chính việc quy định phi thực tế khiến doanh nghiệp phát triển bất động sản rơi vào tình trạng khi phải trả tiền gấp hai lần giá thị trường thành phẩm cho nguyên liệu đầu vào, dẫn đến doanh nghiệp không thể nộp, Nhà nước thất thu và sản xuất đình đốn. Đây là nguyên nhân dẫn đến ách tắc trong đền bù giải tỏa.

Trước những khó khăn như vậy, nguyện vọng của doanh nghiệp là cần xem xét, mở rộng, đa dạng hóa quyền sở hữu đất đai và có phép tính thế nào cho hợp lý. Theo đó, khi khấu trừ thì khấu trừ toàn bộ diện tích đã đền bù tính theo giá thị trường. Không để việc tính sát giá theo giá thị trường phần đất ở trong khi phần diện tích còn lại doanh nghiệp cũng phải bỏ rất nhiều tiền để trả cho dân nhưng lại không tính.

tag: bat cap trong nghi dinh 69, he luy tu nghi dinh 69

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland