17/05/2024 4:20 PM
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết 145 triệu m3 cát biển ở Sóc Trăng có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL.

Mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 225/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kết quả khảo sát nắm tình hình và làm việc với các bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Thông báo nêu rõ, đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm. Yêu cầu các bộ, ngành theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đoạn thi công thí điểm đắp nền bằng cát biển

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các địa phương lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án theo tiến độ cụ thể.

Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất; từ mở các mỏ mới; từ việc tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); phải tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng.

Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân; hoàn thành trong tháng 5/2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động nạo vét lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông kết hợp tận thu cát để làm vật liệu san lấp.

Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành thủ tục giao biển trước ngày 20/5 theo đúng quy định để tỉnh này thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù, bảo đảm hoạt động khai thác được thực hiện trong tháng 5/2024.

Nhà thầu thi công các công trình đường cao tốc được yêu cầu khẩn trương tính toán, đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển với Bộ GTVT và tỉnh Sóc Trăng

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì lập Báo cáo về cát san lấp và cát biển, trong đó báo cáo rõ: trữ lượng các mỏ có thể khai thác (đối với mỏ đang khai thác, việc nâng công suất, mỏ mở mới…); khả năng khai thác khả dụng của từng mỏ cho từng dự án; vướng mắc (nếu có) và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết vướng mắc, thời hạn giải quyết xong vướng mắc.

Trên cơ sở phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông khu vực phía Nam, Bộ TN&MT chủ trì lập phương án và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024.

Không để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản

Đối với tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương có liên quan để giải quyết các thủ tục khai thác, giao mỏ cát làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đối với dự án này, hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án, nhà thầu khẩn trương tính toán, đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển với Bộ GTVT và với UBND tỉnh Sóc Trăng trước ngày 20/5/2024.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý hoạt động khai thác, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng cát biển không đúng mục đích.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… khẩn trương thực hiện giao mỏ khoáng sản cho nhà thầu khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) theo cơ chế đặc thù để phục vụ các công trình, dự án giao thông trọng điểm.

Thực hiện nâng công suất khai thác theo đúng quy định và các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng, nhằm bảo đảm yêu cầu cung cấp cát san lấp cho các dự án, gắn với việc quan trắc để theo dõi tác động của hoạt động khai thác đến dòng chảy và sạt lở bờ sông.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” đã có kết quả bước đầu.

Bộ TN&MT đã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3. Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL.

Hiện Bộ TN&MT đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.