Sau vài năm tăng trưởng "chóng mặt" cả về quy mô, công suất và số lượng dự án, ngành thép đang có sự phát triển "ngược quy luật", thiếu bền vững, mất cân đối. Hàng trăm nhà máy thép mọc lên rồi đóng cửa. Sau xi-măng lò đứng, cảng biển, khu công nghiệp,... việc bùng nổ đầu tư nhà máy thép đã nối dài danh sách trào lưu "làm công nghiệp", có thể dẫn đến những hệ lụy lớn đối với nền kinh tế nếu không được chấn chỉnh kịp thời.

Quy hoạch bị "nung chảy"

Tháng 9-2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam. Tính đến thời điểm này, sản lượng thép đã đạt hơn chín triệu tấn/năm, vượt công suất dự kiến 1,5 lần (trong đó, thép cuộn cán nguội tăng trưởng 172,6%). Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cả nước hiện có hơn 200 dự án thép các loại, năng lực đạt gần 22 triệu tấn, nhưng chỉ vài dự án công suất tới 500 nghìn tấn/năm, còn lại hầu hết ở dạng "mi-ni". Thời cực thịnh (giai đoạn 1999-2002), các dự án quy mô nhỏ mọc lên nhiều không kể xiết. Việc cấp phép tràn lan nhiều dự án có dây chuyền cũ nát, công nghệ lạc hậu là nhân tố chính "nung chảy" quy hoạch ngành thép, tăng gánh nặng dư thừa công suất, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong số các dự án ồ ạt đăng ký và triển khai, phần lớn do các địa phương "xé rào" tự cấp phép, chưa có ý kiến của Thủ tướng và không thỏa thuận với Bộ Công thương theo quy định. Ðiển hình là Bà Rịa - Vũng Tàu có bảy dự án ngoài quy hoạch, TP Hải Phòng năm dự án, Thanh Hóa và Hải Dương bốn dự án, Hà Tĩnh ba dự án,... Thế rồi, hầu hết các dự án "xé rào" dần dần được bổ sung, hợp thức hóa, khiến quy hoạch thép ngày càng phồng lên. Rõ ràng, các cơ quan chức năng thời gian qua đã tỏ ra lỏng lẻo, để cho ngành thép phát triển mất cân đối nghiêm trọng. Hậu quả là nhiều tỉnh đang phải ôm hàng loạt dự án thép "bãi rác", làm hao mòn nguồn lực kinh tế vốn còn khá hạn hẹp của mình.

Nhà nước khuyến khích đầu tư vào các dự án thép thượng nguồn (sản xuất phôi từ quặng, phế liệu) và thép đặc chủng, nhưng thực tế, các dự án đầu tư chỉ tập trung vào hạ nguồn, đơn thuần nhập phôi về cán. Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định: Ðối với dự án có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng (nhóm B) chưa có trong quy hoạch ngành, trước khi lập dự án phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Luật Ðầu tư lại cho phép các dự án luyện kim nhóm B không phải xin ý kiến của các bộ liên quan trước khi cấp phép. Do quy định giữa Luật và Nghị định "vênh" nhau, với mục đích hút đầu tư, tăng thu ngân sách, nhiều địa phương "cứ theo Luật mà làm", chấp thuận dự án một cách dễ dãi. Thực tế, công nghệ của các dự án thép mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng hầu hết đều là dây chuyền cũ nát đã bị thải loại vì hiệu quả thấp và gây ô nhiễm, được nhập khẩu với giá rẻ. Theo một chuyên gia ngành thép, trong năm nay, sẽ có chín dự án thép đi vào hoạt động và bốn dự án khác cũng sẽ hoàn thành vào năm 2012, trong đó phần lớn chỉ sản xuất thép xây dựng, khiến quan hệ cung - cầu mặt hàng thép ngày càng trở nên mất cân đối.

Nguy cơ nhiều nhà máy thép phải đóng cửa

Mất cân đối cung, cầu nghiêm trọng đã đẩy các doanh nghiệp thép vào thế cạnh tranh gay gắt, chưa kể phải đối mặt với thép nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA), từ năm 2015 trở đi, thuế suất nhập khẩu thép là 0%. Sau vài năm nữa, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nguy cơ một loạt các nhà máy thép bị "khai tử" đã nhìn thấy được. Khi nước ta bắt đầu tiến trình hội nhập, ngành thép được chính "người trong cuộc" nhận xét là nhóm có khả năng cạnh tranh yếu nhất. Nhưng các doanh nghiệp thép vẫn "mạnh ai nấy làm", chưa thể hiện được tầm nhìn xa bằng việc chung tay liên kết tạo dựng những thương hiệu lớn, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhiều công trình xây dựng phải đình hoãn, từ đầu năm trở lại đây, lượng thép tiêu thụ càng ngày càng ế ẩm. Dự báo, giá thép và mức tiêu thụ từ tháng 8 năm nay trở đi còn có khả năng tiếp tục giảm. Hầu hết các nhà máy thép chỉ chạy cầm chừng khoảng 50 đến 60% công suất thiết kế. Ước tính của VSA, lượng thép tồn kho hết tháng 7 đã ở mức kỷ lục, nửa triệu tấn, trong khi bình quân hằng tháng chỉ tiêu thụ được từ 200 đến 300 nghìn tấn. Theo tính toán, nếu tồn kho một tấn thép/tháng, thì tiền trả lãi suất ngân hàng sẽ mất 300 nghìn đồng. Các doanh nghiệp thép "yếu đuối" đang phải cõng trên lưng khoản lãi suất "khổng lồ" cho thép tồn kho. Kể cả không có việc đình, hoãn tiến độ các công trình, dự án, trong năm nay, mức tiêu thụ vẫn chỉ bằng 50 đến 60% công suất các nhà máy hiện có, thị trường trong nước luôn dư thừa khoảng ba triệu tấn thép.

Siết chặt việc cấp giấy phép đầu tư

Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường, trong khó khăn hiện nay, sự phát triển quá nóng của ngành thép đã có khả năng dẫn tới đổ vỡ hàng loạt. Diện mạo ngành thép có vẻ đang sáng sủa dần nhờ một vài dự án đăng ký với nguồn vốn đầu tư lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Thế nhưng thực chất, việc triển khai các "siêu dự án thép" hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, ngày khởi công liên tục bị hoãn, chuyển động rõ nhất chỉ là đua nhau xin đăng ký nâng công suất.

Một số chuyên gia ngành luyện kim nhận định, để ngành thép phát triển ổn định, bền vững, giải pháp lâu dài là đầu tư có trọng điểm vào các dự án khai thác mỏ, các dự án sản xuất phôi từ quặng, tránh dàn trải, đặc biệt là chấm dứt đầu tư các dự án cán thép không đi liền với dây chuyền sản xuất phôi. Ðiều trước hết cần làm là cơ quan quản lý nghiên cứu, thận trọng trong việc cấp phép đầu tư các dự án thép; kiên quyết không cấp phép các dự án ngoài quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ ban hành. Không cấp giấy phép đầu tư ít nhất 5 năm tới đối với các dự án sản xuất sản phẩm đã dư thừa công suất gần gấp hai lần nhu cầu hiện tại như thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội,... Các địa phương và cơ quan quản lý cần bám sát các tiêu chí về quy mô công suất đầu tư và các điều kiện để dự án thép phát triển bền vững mà Bộ Công thương quy định. Trong đầu tư, ưu tiên các dự án sản xuất thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao,... để giảm bớt nhập siêu vì nước ta còn phải nhập khẩu với số lượng lớn. Xem xét tính khả thi với các dự án đầu tư FDI có biểu hiện chậm triển khai, cần giám sát, thúc đẩy tiến độ, đặc biệt lưu ý các dự án mà khả năng thu xếp tài chính chưa rõ ràng, tránh tình trạng chiếm đất rồi tìm cơ hội chuyển nhượng dự án để kiếm lời.

Ðối với các doanh nghiệp thép, trước những "bài toán" hóc búa hiện nay, chắc chắn sẽ phải cơ cấu lại. Những nhà máy công nghệ và thiết bị lạc hậu không đủ sức cạnh tranh sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất có hiệu quả. Các doanh nghiệp thép khác cũng phải áp dụng biện pháp cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện quản lý và tổ chức sản xuất để tận dụng hết năng lực, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập sâu với thế giới và khu vực. Chỉ vài năm nữa, mọi chính sách bảo hộ sẽ chấm dứt đối với ngành thép, nếu không nỗ lực đổi mới, sẽ khó tồn tại và phát triển.

Theo Minh Trang (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.