Các ngân hàng thương mại đang rao bán hàng loạt bất động sản trị giá ngàn tỉ để thu hồi nợ nhưng trong bối cảnh hiện nay "đẩy hàng" không dễ.

Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (viết tắt là Công ty Tài Nguyên). Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29-3 là hơn 4.063 tỉ đồng).

Nhiều lô đất, dự án chung cư hàng ngàn tỉ

Tài sản thế chấp cho khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton ở huyện Nhà Bè, TP HCM; các quyền tài sản của mỏ đá ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Trong đó, riêng dự án Kenton được định giá lên tới 7.836 tỉ đồng và chủ đầu tư đã thế chấp tại các NH gồm BIDV, Hàng hải Việt Nam (MSB), Đại chúng Việt Nam (PVCombank). Riêng giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là hơn 4.545 tỉ đồng.

Ngoài ra, BIDV cũng phát mại để thu hồi khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân. Tính đến hết ngày 5-2, toàn bộ dư nợ của khoản vay là 518,7 tỉ đồng (gồm dư nợ gốc và lãi vay). Tài sản bảo đảm của khoản nợ được đem bán đấu giá gồm các lô nhà đất ở TP HCM, Hà Nội và Kiên Giang, trong đó có tài sản hình thành từ vốn vay là một phần dự án "Khu nhà ở cao tầng và khu phức hợp thương mại dịch vụ" tại quận 12, TP HCM (không bao gồm 971 căn bộ của 3 block A1, A2, B1 đã nghiệm thu, bàn giao cho người mua)... Giá khởi điểm rao bán khoản nợ này là 466,9 tỉ đồng.

Dự án Kenton (huyện Nhà Bè, TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH

Các NH thương mại khác cũng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp là bất động sản (BĐS) để thu hồi, xử lý nợ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích hơn 20.803 m2 thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất khác đều ở quận 8 với tổng diện tích 12.669 m2. Tổng giá trị 2 tài sản này là 711 tỉ đồng. Hàng loạt lô BĐS khác trị giá từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng cũng được NH này tích cực bán đấu giá để thu hồi nợ. Các NH thương mại khác cũng liên tục rao bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ là các BĐS ở nhiều địa phương của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN).

Do dịch Covid-19, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động những tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ khiến nguy cơ nợ tiềm ẩn, nợ xấu ở các NH thương mại gia tăng. Xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp là BĐS để xử lý, thu hồi nợ đã được các NH thương mại xúc tiến thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.

Tổng giám đốc một công ty BĐS đã triển khai khá nhiều dự án tại TP HCM cho biết rất quan tâm đến dự án BĐS phát mại. Bởi các dự án này đã qua một vòng kiểm tra pháp lý, định giá từ các NH thương mại, nhất là những dự án có vị trí tốt, giá chấp nhận được. Tuy nhiên, khi mua các dự án phát mại, chủ đầu tư sẽ quan tâm thiết kế có sẵn có phù hợp với thực tế không, vì đa số dự án trước đây thiết kế căn hộ lớn hoặc tỉ lệ căn hộ không nhiều... Mua BĐS phát mại xong, DN muốn điều chỉnh sẽ tốn thời gian hoặc không thể điều chỉnh được thì khó gia tăng lợi nhuận.

Một chuyên gia BĐS khác nhìn nhận thực trạng phát mại dự án nhà đất trong giai đoạn này rất sôi động, DN có nhiều sự lựa chọn. Ngoài giá thanh lý, các DN nên quan tâm đến chủ đầu tư cũ có uy tín không hoặc tên tuổi dự án từng dính lùm xùm gì. Nếu dự án căn hộ thì phải có vị trí, giá tốt và phù hợp với thị trường.

Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển phân tích thị trường BĐS gặp khó trong thời gian qua và hiện tại là tác động từ dịch Covid-19 càng khiến việc rao bán nhà đất thế chấp thêm khó, thị trường không dễ hấp thụ. Các dự án BĐS lớn giá trị từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng sẽ rất khó tìm được nhà đầu tư. Ngay nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa mặn mà vì họ cũng đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

"Dù vậy, cả DN BĐS và NH TMCP đã có kinh nghiệm từ những giai đoạn khó khăn trong quá khứ. Trong khoảng 5 năm nay, vốn tín dụng đổ vào BĐS đã được ngành NH kiểm soát chặt hơn, các dự án được rót vốn NH đã qua thẩm định nên không quá khó khăn trong việc xử lý thu hồi nợ như giai đoạn trước. Các DN trụ lại trên thị trường đến thời điểm này cũng đã được thị trường tự sàng lọc" - TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

Phát hành trái phiếu để mua lại khoản nợ

TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) cho biết nhiều DN sản xuất - kinh doanh đang gặp khó khăn do dịch bệnh, có tài sản thế chấp là BĐS tại các NH thương mại. Trong điều kiện khó khăn chung này, nếu không được hỗ trợ kịp thời, DN sẽ không có khả năng trả nợ vay và dễ bị phát mại tài sản thế chấp là BĐS để thu hồi nợ. Do đó, các NH thương mại có thể tính đến phương án thay vì phát mại tài sản thế chấp thì phát hành trái phiếu để mua lại khoản nợ của DN trong khoản thời gian nhất định, tạo cơ hội cho DN tiếp tục hoạt động, trả nợ. Trái phiếu này sau đó NH thương mại có thể đem thế chấp như giấy tờ có giá để vay vốn lãi suất thấp từ NH Nhà nước.

  • Ngân hàng dè dặt, người đi vay gặp khó

    Ngân hàng dè dặt, người đi vay gặp khó

    CafeLand - Các biến động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến nhiều ngân hàng phải thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đối với cả những khách hàng thân thiết nhất của họ.

Linh Anh - Sơn Nhung (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.