CafeLand - Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý.

Trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/10, báo giới đặt câu hỏi: Hiện có 14/16 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh trong quý 3 nợ xấu tăng, nguyên nhân nợ xấu tăng từ đầu năm là gì? Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể nào, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 01, sắp đến thời điểm hết hạn?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Theo thống kê, luỹ kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. “Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng”, bà Hồng nói.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.