Đây là một trong những nội dung được Ngân hàng Nhà nước dự thảo tại Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế các tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua.
Dự thảo thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành.
Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn. Điều này dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Đáng chú ý, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác.
Nhiều quy định khác của dự thảo Thông tư cũng kế thừa lại Thông tư cũ, như không được vay vốn để mua trái phiếu doanh nghiệp, mua trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi phải tuân thủ quy định pháp lý về góp vốn mua cổ phần.
Cần sự gia nhập của công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu
Thời gian qua, hoạt động trái phiếu doanh nghiệp đang được các cơ quan quản lý chặt hơn sau thời gian tăng trưởng nóng. Tháng 9 vừa qua, Nghị định số 81 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.
Trong bản tin về thị trường trái phiếu tháng 9, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) ghi nhận việc phát phành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh do tác động của Nghị định 81 có hiệu lực.
Dẫn số liệu tổng hợp trên HNX, VBMA cho biết, trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ là 10.905 tỷ đồng, bằng 1/4 so với tháng trước đó, với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp.
Quy mô phát hành trái phiếu theo loại hình doanh nghiệp trong tháng 9/2020. Nguồn VBMA
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị phát hành đạt 290.308 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4 năm. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành nhiều nhất với 78.486 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2020.
Trong báo cáo “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã nở rộ. Các đợt phát hành đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 40% từ năm 2012 đến năm 2019 và các đợt phát hành còn tồn đọng lên tới khoảng 11,5% GDP của Việt Nam - cao thứ tư trong ASEAN và nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm nữa.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2017 và lượng phát hành trị giá 12,8 tỷ USD trong năm 2019 đã lớn hơn so với con số của Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam không chặt chẽ bằng các thị trường ASEAN khác nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng và thường là cả phát hành riêng lẻ trong suốt những năm hình thành trái phiếu.
Báo cáo của ADB nhận định, các bên gia nhập thị trường của Việt Nam sẽ mong muốn được chứng kiến sự hợp tác của các thể chế địa phương với một công ty xếp hạng toàn cầu. Điều này sẽ dẫn tới sự pha trộn lý tưởng giữa thông lệ tốt toàn cầu với sự hiểu biết địa phương về văn hóa, doanh nghiệp và thực tiễn.
-
Trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt sau khi bị “siết”
CafeLand - Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo hình thức riêng lẻ trong tháng 9 chỉ bằng 1/4 so với tháng trước đó, với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp.
-
Một công ty bất động sản tại TPHCM huy động thành công 6.900 tỷ thông qua trái phiếu chỉ trong 1 ngày
Ngày 20/12, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Newco đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố kết quả phát hành trái phiếu.
-
Một công ty bất động sản tại TP.HCM vừa hút về 6.900 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong 1 ngày
Doanh nghiệp này vừa hoàn tất phát hành 3 lô trái phiếu với kỳ hạn lần lượt là 1 năm, 3 năm và 5 năm.
-
Thông tin mới nhất về thương vụ phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế của Vinhomes
Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán VHM) vừa thông báo thực hiện nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore vào ngày 19/12.