Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Xi măng Công Thanh với tổng số tiền 507,5 triệu đồng.
Quyết định xử phạt có hiệu lực từ ngày 29/11/2024, khiến nhiều nhà đầu tư bất chợt chú ý đến tình hình kinh doanh, bức tranh tài chính của Xi măng Công Thanh - một thương hiệu xi măng lâu đời có địa chỉ tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2024 vừa công bố, Công ty CP Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 90 tỷ đồng, giảm 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính cao khiến công ty lỗ sau thuế 742 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 609 tỷ đồng.
Với việc kinh doanh thua lỗ liên tiếp nhiều năm, doanh nghiệp này đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 8.647 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 7.747 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 2.909 tỷ đồng.
Nhà máy Xi măng Công Thanh
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản Xi măng Công Thanh đạt hơn 11.800 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm, với 10.765 tỷ đồng nằm ở tài sản cố định. Các khoản phải thu ngắn hạn là 476 tỷ đồng, đa số là phải thu từ khách hàng. Hàng tồn kho cuối kỳ ở mức 153 tỷ đồng. Lượng tiền và tiền gửi của công ty còn 1,5 tỷ đồng.
Bên kia nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tài chính là hơn 7.300 tỷ đồng.
Hiện Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả là 1.192 tỷ đồng và trái phiếu đến hạn trả với số tiền 443 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam VietinBank).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa chi trả khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội với số tiền là 387 tỷ đồng. Tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này là 10.557 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, Xi măng Công Thanh vay nợ hơn 7.300 tỷ đồng. Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024
Hiện tại, Vietinbank đang là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh với dư nợ ngắn hạn 1.392 tỷ đồng (nợ dài hạn đến hạn trả) và nợ dài hạn 3.528 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB - Chi nhánh Vạn Phúc là chủ nợ còn lại của Xi măng Công Thanh với giá trị cho vay hơn 287 tỷ đồng. Được biết, đây là phần còn lại trong khoản vay ngắn hạn mà đơn vị đã Vay ngân hàng SHB từ năm 2017 để bổ sung vốn lưu động.
Các dây chuyền sản xuất cùng nhiều tài sản của bên thứ 3 được Xi măng Công Thanh sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng trên.
Đáng chú ý, ngoài khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, Xi măng Công Thanh còn nợ một khoản vay đáng kể từ cá nhân bà Nguyễn Thị Dạ Thảo. Hiện bà Thảo đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Xi măng Công Thanh.
Cụ thể, bà Thảo đã cho doanh nghiệp xi măng này vay 326 tỷ đồng từ năm 2013. Khoản vay này kéo dài đến nay và được xem là một nguồn tài chính quan trọng giúp công ty duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn.
Đến ngày 30/6/2024, ngoài khoản vay 326 tỷ đồng, Xi măng Công Thanh còn nợ bà Thảo 33,75 tỷ đồng dưới dạng khoản vay ngắn hạn.
Ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cho biết, năm 2024 công ty đã thanh toán 1 phần cho các khoản vay tại các ngân hàng trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp này cho rằng có thể tiếp tục hoạt động liên tục vì có thể tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động và trả một phần khoản vay với các ngân hàng.
Với tình trạng lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu âm nặng và áp lực tài chính ngày càng gia tăng, Xi măng Công Thanh đang đối diện với tương lai bất định. Việc tái cấu trúc toàn diện và cải thiện hiệu quả kinh doanh là yếu tố sống còn nếu công ty muốn tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay.
-
Nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam vừa chứng kiến thua lỗ nghìn tỷ năm thứ 2 liên tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 bộ vào cuộc làm rõ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ cả nghìn tỷ.
-
Vừa bước sang năm 2025, nhiều nhà sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn
Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Tân Thắng... là những thương hiệu xi măng công bố điều chỉnh tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn xi măng ngay từ đầu năm 2025.
-
Đầu tư công và bất động sản có thể kéo tiêu thụ xi măng sôi động trở lại?
Các dự án đầu tư công và hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và nhiều tuyến đường kết nối khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là động lực chính kích thích nhu cầu xi măng trong nước....