Đua nhau mở chương trình khuyến mãi
Ngày 31-7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Hà Nội đã tổ chức bốc thăm "Tuần vàng may mắn" với chương trình “Gửi tiền trúng tiền - nhận liền xe hơi”. Sau 3 tháng triển khai, SHB Hà Nội huy động được 517 tỷ đồng với hơn 3.000 phiếu đăng ký dự chương trình.
Khác với SHB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lại thu hút khách hàng với Chương trình khuyến mãi "San sẻ chi phí, hợp tác bền lâu" và "Chùm sản phẩm tiết kiệm tích lũy theo vòng đời". Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng nhỏ trong cuộc chạy đua huy động vốn đều đưa ra các gói khuyến mãi.
Theo một cán bộ PGBank, trước những khó khăn trong việc huy động vốn do phải hạ lãi suất, nhiều ngân hàng đã tìm cách "lách luật" để khuyến mãi giữ chân khách hàng. Có hai hình thức khuyến mãi mà không "phạm luật" là bốc thăm trúng thưởng và tặng thẻ cào cho khách hàng gửi tiết kiệm.
Theo hầu hết các ngân hàng nhỏ, việc khuyến mãi trong dịp này là bất đắc dĩ nhưng vẫn phải tung ra để thu hút vốn nhàn rỗi quay lại ngân hàng.
Một thực tế đang diễn ra, các ngân hàng lớn "thừa vốn" chưa giải ngân hết nhưng lại không thể giảm lãi suất huy động xuống dưới 11% vì lo không thể cạnh tranh được với các ngân hàng nhỏ với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân trên là do thị trường tiền tệ đang có nghịch lý, trong khi tín dụng tăng trưởng chậm nhưng ngân hàng lại phải cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn dẫn đến việc giảm lãi suất bị mắc kẹt. Ngân hàng lớn hiện đang thừa vốn nhưng không thể cho các ngân hàng nhỏ vay lại khi "vướng" phải quy định không được dùng quá 20% vốn liên ngân hàng làm vốn tín dụng.
Lãi suất thực tế có thể lên đến 18%/năm
Việc lãi suất cho vay trung bình từ 14 -16%/năm cộng thêm
những khoản phí có thể lên tới 18%/năm đang khiến nhiều doanh nghiệp phải
"cân, đong, đo, đếm" trước khi vay vốn, mở rộng sản xuất.
Ông Đỗ Duy Chính - Giám đốc Công ty Thép Thanh Bình (HPC) cho biết: "Hiện chúng tôi phải vay với lãi suất thấp nhất là 13,8% và cao nhất là hơn 15%. Nhưng thực tế, nếu cộng các khoản phí nên vay thực tế, có thể lên tới 18%.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là định giá tài sản. Khi ngân hàng định giá tài sản đã thấp hơn giá trị thật và cho vay tối đa chỉ 70% tài sản thế chấp do đó chỉ vay được 50% so với giá trị thật của tài sản. Chính vì vậy, muốn vay đủ vốn với tỉ lệ % hợp lý, doanh nghiệp phải "quan hệ" tốt với ngân hàng".
Về vấn đề này, ông Lê Đức Sơn - Giám đốc Chi nhánh Phùng Hưng (Ngân hàng Quân đội) cho biết: "Việc doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn là đúng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn với doanh nghiệp lớn, khi vay vốn thì vấn đề tài sản thế chấp không quan trọng, có thể tài sản chỉ trị giá 30% chúng tôi vẫn cho vay tới 100%. Bởi ngân hàng có thể quản lý khoản vay của doanh nghiệp qua việc nắm chắc dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh... nhưng quan trọng nhất vẫn là uy tín của doanh nghiệp".
Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường giá cả sẽ biến động làm hạn chế việc giảm lãi suất vào dịp cuối năm nên thời điểm hiện tại là thuận lợi nhất để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng việc cung ứng tiền tệ, giảm lãi suất.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra thời hạn ngắn, linh hoạt
cho các ngân hàng nhỏ vay lại của ngân hàng lớn, thay vì giới hạn 20% có thể
tăng lên 40 - 50% với điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước cần mạnh
dạn hạ lãi suất cơ bản khi lạm phát được đánh giá trong tầm kiểm soát.
Cafeland.vn
theo Dân Việt