3 ngân hàng thương mại được Kiểm toán Nhà nước đến làm việc thì cả 3 đều khai lợi nhuận năm 2008 thấp hơn kết quả kiểm toán từ vài tỷ cho tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngân hàng 'giấu' lãi

Trong đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) "khiêm tốn" nhất, khi lợi nhuận công bố trước đó thấp hơn 795 tỷ đồng so với số liệu của Kiểm toán Nhà nước. Còn tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), lợi nhuận sau kiểm toán tăng thêm lần lượt 216 và 6 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện...

Thông tin các ngân hàng khai thấp lợi nhuận năm 2008 được chú ý, bởi đây là năm kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước vô cùng khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, đại diện các ngân hàng lý giải số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán khác nhau chủ yếu xuất phát từ quan điểm hạch toán kế toán và nghiệp vụ đặc thù của ngành.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho hay năm 2008, ngân hàng bắt đầu triển khai dự án lớn và ký hợp đồng thuê đất tại Ciputra. Quan niệm đây là tài sản cố định vô hình, ngân hàng đã hạch toán toàn bộ tiền thuê đất trong 38 năm vào chi phí của năm 2008, khiến lợi nhuận giảm xuống. Tuy nhiên, theo quan điểm của kiểm toán, đây là khoản chi phí trả trước và ngân hàng phải hạch toán theo thời gian chi trả thực tế.

Số liệu của Kiểm toán Nhà nước mới công bố cũng cho thấy Vietinbank đã hạch toán 849,8 tỷ đồng tiền thuê đất Ciputra trong 38 năm vào chi phí năm 2008.

"Chúng tôi đã tính toán lại theo yêu cầu kiểm toán, hạch toán tiền thuê đất trải đều 20 năm", ông Thọ cho biết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết số liệu trước và sau kiểm toán vênh nhau do ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn mực cao hơn so với quy định hiện hành.

Trên thực tế, phần lợi nhuận dùng để trích lập dự phòng rủi ro trong ngân hàng được xem là chi phí kinh doanh, nên không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định ngân hàng không giấu lợi nhuận, mà vì muốn đảm bảo an toàn hoạt động.

"Cái khó của chúng tôi là vừa hoạt động theo mô hình cổ phần, phải đáp ứng tiêu chí theo đề xuất của kiểm toán độc lập quốc tế; trong khi Nhà nước vẫn nắm hơn 90% vốn tại Vietcombank nên ngân hàng vẫn phải thực hiện theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước", ông Bình trần tình.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, Vietcombank trích lập chi phí dự phòng rủi ro năm 2008 chưa chính xác, kiểm toán đã yêu cầu giảm 217 tỷ đồng.

Ngoài việc không phản ánh chính xác thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh, các ngân hàng còn bị kiểm toán nhắc nhở về chất lượng tín dụng và hiệu quả đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết.

Kết luận đợt kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của 211 đơn vị thành viên, chi nhánh trực thuộc 9 ngân hàng, tổ chức tài chính và bảo hiểm, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chất lượng tín dụng của một số ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng. Chẳng hạn tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank năm 2008 là 4,6%, năm 2007 là 3,4%; MHB năm 2008 là 2,91%, năm 2007 là 2,05%.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng đầu tư là 5,7%, tín dụng xuất khẩu là 0,54% và có thể còn cao hơn nếu phân loại theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, quỹ dự phòng rủi ro của VDB không đủ bù đắp, số nợ gốc và lãi quá hạn đến cuối năm 2008 gấp hơn 5,97 lần quỹ dự phòng rủi ro.

Năm 2008, hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết, kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm cũng mang lại hiệu quả thấp, chủ yếu do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) đã lỗ kinh doanh chứng khoán 1.093 tỷ đồng. Vietcombank có số dư chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư đến 31/12/2008 là 42.308 tỷ đồng, nhưng thu nhập của hoạt động này trong năm chỉ đạt 15,24 tỷ đồng...


Cafeland.vn
theo VnExpress.net

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland