19/01/2011 12:50 PM
Bên cạnh hạ lãi suất, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu rút bớt kỳ hạn tiết kiệm bằng vàng, phản ứng nối tiếp sau chính sách thắt chặt huy động và cho vay mà Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối tháng 10/2010.
Ngày 18/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) ban hành biểu lãi suất huy động mới. Điểm khác biệt so với biểu áp dụng từ ngày 31/12/2011 là việc điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn của sản phẩm chứng chỉ huy động vàng.

Cụ thể, ở biểu lãi suất mới, cơ cấu kỳ hạn ở sản phẩm trên của ACB đã rút hẳn các kỳ hạn 12, 13, 24 và 36 tháng; chỉ còn áp dụng cho các kỳ hạn 1, 2, 3, 6 và 9 tháng. Lãi suất ở các kỳ hạn giữ lại không thay đổi so với biểu trước đó, cao nhất là 1,1%/năm kỳ hạn 3 tháng đối với chứng chỉ huy động vàng ACB, thấp nhất là 0,65%/năm kỳ hạn 9 tháng đối với vàng SJC.

Tại một ngân hàng lớn có hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối mạnh là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), việc rút nhiều kỳ hạn đối với chứng chỉ huy động vàng cũng đã thực hiện từ ngày 6/1/2011. Hiện Eximbank chỉ duy trì các kỳ hạn 1, 2, 3, 6 tháng và 364 ngày, với lãi suất cao nhất là 1%/năm, thấp nhất chỉ 0,2%/năm. Trước đó, trong cơ cấu của ngân hàng này có các kỳ hạn kéo dài trên 12 tháng, 18 tháng cho đến 60 tháng…

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ở biểu lãi suất áp dụng từ ngày 6/1/2011 cho sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn thông thường bằng vàng kỳ hạn dài nhất chỉ là 12 tháng, trong khi lãi suất rất thấp, đồng loạt là 0,01%.

Như vậy, sau lộ trình hạ lãi suất từng bước, việc rút bớt kỳ hạn ở sản phẩm huy động vàng là phản ứng mới của các ngân hàng thương mại sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 22 ngày 29/10/2010 thu hẹp hoạt động huy động và cho vay bằng vàng.

Từ tác động của chính sách, những phản ứng trên diễn ra theo một độ trễ nhất định, được giải thích từ sự thích ứng dần của các ngân hàng thương mại trong yêu cầu cơ cấu lại các nguồn vốn và cân đối dần vấn đề thanh khoản.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland