Ngân hàng ACB muốn huy động 15.000 tỷ từ phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trước đó, HĐQT cũng thông qua phương án lần một và lần hai năm 2024, với quy mô mỗi đợt phát hành là 15.000 tỷ đồng. Như vậy, sau lần này, dự kiến ACB sẽ phát hành lên tới 45.000 tỷ đồng lượng trái phiếu trong năm 2024.
Trong lần này, ACB sẽ phát hành ra thị trường tối đa 150.000 trái phiếu với kỳ hạn tối đa 5 năm trong 15 đợt. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng, giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ngân hàng.
Mức lãi suất sẽ được Tổng Giám đốc ACB quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường. ACB dự kiến chào bán các nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thanh toán lãi định kỳ với hình thức trả sau, 12 tháng một lần. Mục đích phát hành trái phiếu là của ACB nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay, Ngân hàng ACB đã phát hành tổng cộng 12 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Trong đó, các mã trái phiếu có giá trị lớn nhất lên đến 5.000 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 9/2024, ngân hàng đã huy động 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng ACB đạt 10.500 tỷ. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế đạt 5.600 tỷ, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Tỷ lệ ROE của ACB tiếp tục duy trì ở mức cao 23,4%.
Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Chứng khoán MB (MBS), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 9 ước đạt hơn 71.600 tỷ đồng, đa số là từ các ngân hàng chiếm 85%.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hơn 330.400 tỷ đồng. Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu nhiều nhất với khoảng 245.400 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ 2023 và chiếm tỉ trọng 74% toàn thị trường, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,3 năm.
Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (29.800 tỷ đồng), Techcombank (26.700 tỷ đồng), OCB (24.700 tỷ đồng).
-
9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ACB báo lãi bao nhiêu?
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB ghi nhận 15.300 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.
-
Quý 3/2024: Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có lãi suất cao nhất
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản có lãi suất cao nhất trong quý 3/2024, vào khoảng 12%/năm, cao hơn mức trung bình gần 10%/năm của thị trường.
-
Chứng khoán DSC: Sacombank sắp sạch trái phiếu VAMC
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán DSC, tính đến hết quý 2/2024, ước tính Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã cổ phiếu: STB) còn khoảng 623 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa được trích lập và ngân hàng này vẫn đang tập trung trích lập cho ...
-
OCB mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn mã OCBL2225013 và OCBL2225014.