Khách hàng của TTTM được mệnh danh là "thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" khẳng định: “Nếu Grand Plaza chỉ thay "áo" mà không thay "máu" thì đâu vẫn hoàn đấy”.
Sau 3 năm kinh doanh không hiệu quả, Grand Plaza tạm thời đóng cửa để tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu đóng cửa lần nữa, TTTM này sẽ không thể vực dậy được!
Trong khi đó, khách hàng của TTTM được mệnh danh là "thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" khẳng định: “Nếu Grand Plaza chỉ thay "áo" mà không thay "máu" thì đâu vẫn hoàn đấy”.
"Grand Plaza nên chuyển sang kinh doanh dịch vụ"
Sau một cuộc khảo sát gần đây, nhận thấy, trong bối cảnh của nền kinh tế khó khăn, người dân thay vì tới những trung tâm thương mại (TTTM) sang trọng, đắt tiền, họ thích đến những nơi hiện đại, tiện nghi nhưng vẫn gần gũi, thân thiện, Grand Plaza đã buộc phải đóng cửa để tái cơ cấu sau gần 3 năm hoạt động không hiệu quả.
Đây có thể coi là một “bài học đau đớn”, một cái giá khá đắt cho Grand Plaza khi chọn nhầm đường.
Chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cho rằng: Khi một trung tâm mua sắm xuất hiện, không đơn thuần cứ mở ra là bán được mà cần phải có sức hấp dẫn ban đầu, cũng như mất một vài năm đầu tiên để xây dựng thương hiệu, thêm vào đó, phải có sự quản lý, điều hành tốt, chứ không thể chỉ cho thuê một cách rời rạc, không tạo sự đồng bộ về văn hóa phục vụ cũng như ứng xử với khách hàng…
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, TTTM Grand Plaza nên chuyển sang kinh doanh dịch vụ, thay vì kinh doanh tổng hợp trung tâm thương mại.
Riêng Grand Plaza gặp phải sự khó khăn, cạnh tranh khốc liệt khi đối diện nó là siêu thị BigC vốn đã quá quen thuộc với khách hàng, người tiêu dùng Hà Nội hàng chục năm nay.
“Đứng cạnh một “gã khổng lồ” BigC vừa bán theo kiểu bình dân xen kẽ một số mặt hàng cao cấp, Grand Plaza phải khác lạ đi. Thứ nhất, nhóm mặt hàng thương hiệu phải khác, thứ hai phải chọn phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng khác, nếu trùng BigC, Grand Plaza sẽ khó có thể phát triển được!”, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định.
Theo lời khuyên của ông Phú, Grand Plaza 70% nên trở thành khu tổ hợp dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sắc đẹp, thể thao, thể hình, bể bơi hay một khu vui chơi, công viên trong nhà, khai thác khách sạn hoặc trung tâm hội nghị… hơn là trở thành một trung tâm thương mại.
“Nếu Grand Plaza tái cơ cấu mà vẫn là một trung tâm thương mại bán tổng hợp thì sẽ khó thành công. Nếu muốn thành công phải cạnh tranh được với BigC về giá, về chất lượng phục vụ, nhưng để làm được điều đó cũng phải mất một thời gian, hòa hoặc lỗ vốn một vài năm”, ông Phú nói.
Nếu ngừng bán lần 2 coi như TTTM Grand Plaza sụp đổ
Chính thức khai trương vào 17/7/2010, Grand Plaza hứa hẹn là một trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế, nằm trong tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại 5 sao đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là “thiên đường mua sắm đệ nhất Hà Thành”.
Với mặt tiền trên hai phố lớn, bãi đậu xe lớn và thoáng, lãnh đạo của IDJ Financial - chủ đầu tư Grand Plaza cũng tin tưởng chắc chắn Grand Plaza sẽ đáp ứng được lượng khách hàng lớn…
Tuy nhiên, sau đó không lâu, nhiều người dân tới đây chỉ chứng kiến cảnh vắng vẻ, đìu hiu của các gian hàng. Có hàng trăm nguyên nhân để lý giải cho sự thất bại của trung tâm thương mại này. Thời gian đầu, nhiều khách hàng than phiền rằng TTTM Grand Plaza không thân thiện, “kín cổng cao tường” vì có barie chắn ngang ngay cửa ra vào, tòa nhà trung tâm thương mại lọt thỏm giữa 2 tòa nhà cao tầng, một bên là Charmvit Tower, một bên là Hanoi Plaza Hotel..., tuy nhiên, theo giám đốc một siêu thị mua sắm tại Hà Nội, vấn đề kiến trúc không thực sự quan trọng.
Điều đáng quan tâm hơn cả làm sao giúp cho người dân thuận tiện để mua sắm, thêm vào đó văn hóa phục vụ, chất lượng hàng hóa để giữ tín nhiệm với khách hàng là điều vô cùng quan trọng.
Trong khi đó, theo ý kiến khách hàng của Grand Plaza: Nguyên nhân chính làm cho người mua sắm cũng như người kinh doanh không đến với TTTM này là do sự quản lý yếu kém, không đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Khách đến một lần, không quay trở lại, còn người kinh doanh trót thuê mặt bằng chịu lỗ mà bỏ đi.
“Nếu chỉ thay "áo" mà không thay "máu" thì đâu vẫn hoàn đấy” - khách hàng của Grand Plaza khẳng định.
Trong kế hoạch thay đổi cơ bản về kết cấu của khu thương mại, Grand Plaza sẽ biến tầng hầm trở thành siêu thị hiện đại với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống, đồ dùng hàng ngày. Sở dĩ bố trí tại tầng hầm vì Grand Plaza muốn thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất cho các bà nội trợ là các nữ nhân viên văn phòng tại tòa nhà Grand Plaza cũng như cư dân tại các khu lân cận.
Grand Plaza phải tạm đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả sau 3 năm hoạt động.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng: để thực hiện điều này Grand Plaza cũng phải cân nhắc kỹ càng. Bởi tầng hầm của Grand Plaza hiện nay đang dùng chung cho cả khu TTTM, khu văn phòng, khách sạn nhưng hiện tại, chỗ đỗ xe trong tầng hầm đã quá tải trong khi TTTM vẫn chưa có khách và tòa nhà văn phòng vẫn còn nhiều tầng trống, chưa có khách thuê. Nếu đặt siêu thị ở tầng hầm thì khách sẽ đỗ xe ở đâu – đó là một bài toán đặt ra cho Grand Plaza. Khi mà chỗ đỗ xe cho khách hàng không thoải mái (hoặc thu phí cao) thì khách làm sao có thể vô tư mua sắm được!
Vì vậy, “việc tái cơ cấu này của Grand Plaza thành công được hay không thì còn phải chờ một thời gian dài nữa và thành công này phải bền bỉ chứ không thể nhất thời được… Grand Plaza phải suy nghĩ thấu đáo kế hoạch tái cơ cấu bởi chỉ cần thất bại một lần nữa là sẽ không thể vực dậy được!”, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.